Ðừng để "đất vàng" biến thành của riêng
Khi nói đến cụm từ "đất vàng" ở thành phố, nhiều người thường nghĩ tới những khu đất có giá trị cao về nhiều mặt vì ở những vị trí được coi là đắc địa ở các quận trung tâm. Thật ra không hẳn vậy. Có những vị trí mà dưới con mắt các nhà chuyên môn cũng là "đất vàng". Ðó là những khu đất nằm cạnh sông Sài Gòn.
Theo đánh giá của một số kiến trúc sư trong và ngoài nước, giá trị cảnh quan mà sông Sài Gòn mang lại cho thành phố là vô giá, nếu như biết quy hoạch phù hợp và khai thác tốt thì dọc bờ sông Sài Gòn sẽ đẹp không kém sông Xen ở Pa-ri nước Pháp hay sông Thêm của Luân Ðôn nước Anh. Ðáng tiếc trong một thời gian dài, do thiếu tầm nhìn quy hoạch và buông lỏng quản lý, nên những dải đất dọc sông Sài Gòn đã bị không ít cá nhân, tổ chức "băm nát" và biến thành của riêng để trục lợi. Ðiển hình như vụ việc Công ty TNHH xây dựng và kinh doanh nhà Văn Minh không ngần ngại thi công tuyến kè dài 140 m và xây chín căn biệt thự không đúng quy hoạch, thiết kế do cơ quan chức năng phê duyệt, lấn chiếm hành lang bảo vệ sông từ 2 đến 7,6 m trên địa bàn phường Thảo Ðiền, quận 2. Và cũng trên địa bàn này Công ty TNHH Hải Vương đã xây bờ kè dài 376 m lấn ra sông Sài Gòn.
Bên cạnh đó, các hộ gia đình ở dọc bờ sông cũng đua nhau lấn chiếm bờ sông Sài Gòn để xây nhà mở hàng quán tràn lan. Suốt một dải từ huyện Củ Chi, Hóc Môn tới quận 12, Thủ Ðức, Bình Thạnh,... dài hàng chục km, đâu đâu cũng thấy nhà cửa, hàng quán, sân chơi thể thao đua nhau mọc ngay sát bờ sông. Theo thông tin phản ánh trên báo chí thì mới đây, Khu quản lý đường thủy nội địa đã phát hiện trường hợp hộ dân ở 281/20 Ung Văn Khiêm (phường 25, quận Bình Thạnh) xây dựng, sửa chữa nhà với quy mô dài dọc sông 26,7 m, rộng 11 m (tổng diện tích gần 300 m2) nằm hoàn toàn trong hành lang bảo vệ sông Sài Gòn. Thậm chí, có hộ còn bạo gan lấn chiếm hành lang bờ sông để xây dựng những căn nhà cao bốn, năm tầng như hộ 243-245 cũng ở đường Ung Văn Khiêm.
Tương tự, tại ấp Hòa An (xã Trung An, huyện Củ Chi), một hộ dân đã tự ý đóng cọc dừa lấn chiếm sông Sài Gòn với chiều dài 170 m, rộng 9 m, tương ứng với tổng diện tích hơn 1.500 m2... Thống kê của Sở Giao thông vận tải cũng cho thấy, trong số khoảng 100 trường hợp vi phạm lấn chiếm sông, rạch và xây dựng trên hành lang an toàn bờ sông được phát hiện năm vừa qua thì có đến khoảng 30 trường hợp nằm trên khu vực sông Sài Gòn, với tổng diện tích vi phạm lấn chiếm lên đến hơn 8.000 m2.
Ðể xảy ra tình trạng này là do buông lỏng trong quản lý của chính quyền địa phương cộng với việc xử lý những hành vi vi phạm, lấn chiếm trái phép bờ sông không đến nơi đến chốn, thậm chí còn "phạt và cho tồn tại" khiến cho nạn lấn chiếm dọc bờ sông Sài Gòn ngày càng gia tăng. Và dải "đất vàng" khi bị "băm nát" biến thành của riêng thì giá trị của nó không còn nguyên vẹn như trước nữa. Vì thế, ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng của thành phố cần thực hiện những biện pháp quản lý hiệu quả. Ðồng thời, kiên quyết xử lý, giải tỏa những khu vực bị lấn chiếm và buộc phải trả lại hiện trạng như ban đầu. Ðặc biệt là phải loại bỏ ngay kiểu "phạt cho tồn tại" hoặc là làm cam kết tháo dỡ không đền bù khi thành phố cần sử dụng đến. Vì nếu để quá lâu thì sẽ nảy sinh nhiều phức tạp, khó khăn trong việc giải tỏa sau này.
Ðể làm được điều này, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền sở tại với các cơ quan chức năng. Nhất là nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc xử lý những vi phạm bởi theo phản ánh của Sở Giao thông vận tải thành phố thì khi phát hiện vi phạm, Sở đã nhiều lần có văn bản yêu cầu địa phương xử lý đến nơi đến chốn, nhưng địa phương vẫn tỏ ra ’’bình chân như vại’’, khiến vi phạm diễn ra liên tục, kéo dài. Mấu chốt của vấn đề này hiện phụ thuộc vào thái độ cũng như hành vi ứng xử của chính quyền các quận, huyện, xã, phường. Nếu địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý ngay từ đầu những trường hợp phát sinh thì sẽ không còn tình trạng lấn bờ sông Sài Gòn một cách tùy tiện như thời gian qua.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet