Bài học cho nhà đầu tư từ thị trường chứng khoán 'năm Covid'
Vào đợt bán tháo kinh hoàng hồi tháng 3 năm 2020 vì đại dịch, ít ai nghĩ được rằng đó lại năm thành công với thị trường chứng khoán Mỹ.
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 31/12/2020 đồng loạt tăng điểm và phá đỉnh lịch sử. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 197 điểm, tương đương 0,7%, kết năm 2020 ở đỉnh lịch sử 30.606 điểm. Chỉ số S&P 500 lên đỉnh mới 3.756 điểm, tăng 16% so với đầu năm. Còn nếu so với mức đáy thiết lập vào ngày 23/3, chỉ số này tăng gần 70%.
Các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cũng đang nở rộ. Chỉ vài tuần trước, Airbnb đã có màn ra mắt thị trường chứng khoán tuyệt vời đến nỗi giám đốc điều hành của hãng không nói nên lời khi xuất hiện trên truyền hình.
Đây là điều có thể dễ dàng hình dung trong thời kỳ kinh tế phát triển. Nhưng thực tế rằng, sự hưng phấn của thị trường chứng khoán lại diễn ra trong năm 2020 - một năm mà đại dịch thảm khốc lấy đi tính mạng của hơn một triệu người, làm ngừng trệ hoạt động kinh doanh, du lịch và tàn phá nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù có rất nhiều lý do cho sự hưng phấn của thị trường, không ít trong số đó đến từ sự can thiệp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nhưng sự phục hồi đáng kinh ngạc của thị trường vẫn là điều khó hiểu đối với nhiều nhà đầu tư.
Ralph Bassett, Trưởng bộ phận chứng khoán Bắc Mỹ tại Aberdeen Standard Investments cho biết: "Con đường mà chúng tôi đã đi đến lúc này là điều mà chúng tôi chưa bao giờ lường trước được".
Và dưới đây là những bài học mà các nhà đầu tư nói rằng họ đã học được từ một năm không thể quên.
Bên ngoài sán chứng khoán Nasdaq, Mỹ. Ảnh: WSJ.
Thị trường chứng khoán không phản ánh hoàn hảo nền kinh tế
Khi hàng loạt cổ phiếu chạm đáy vào ngày 23/3 và sau đó bắt đầu hồi phục mạnh mẽ, nhiều nhà quan sát đã bối rối. Số người nhiễm Covid-19 liên tục gia tăng, các nhà hàng, cửa hàng và rạp hát chìm trong bóng tối. Hàng triệu người Mỹ đã xếp hàng dài bên ngoài các trung tâm nghề nghiệp để xin trợ cấp thất nghiệp.
Làm thế nào thị trường có thể bật tăng mạnh mẽ khi tình hình trên thế giới đều u ám?
Câu trả lời là thị trường chứng khoán thường bắt đầu phục hồi sớm hơn nhiều so với nền kinh tế. Nhìn từ cuộc khủng hoảng tài chính trước đây, chứng khoán Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ kể từ 9/3/2009. Tuy nhiên, phải mất 7 năm kể từ thời điểm đó, tỷ lệ thất nghiệp mới giảm xuống dưới mức trước khủng hoảng.
Tương tự với lần này, nhiều nhà đầu tư không kỳ vọng Mỹ sẽ hồi phục lại thị trường lao động sớm hơn năm 2023. Andrew Slimmon, giám đốc điều hành và giám đốc danh mục đầu tư tại Morgan Stanley cho biết: "Nhiều người nói rằng thị trường đang bị ngắt kết nối với thực tế, nhưng cổ phiếu đang định giá theo những gì sẽ xảy ra trong sáu tháng đến một năm"
Trong đại dịch, các nhà đầu tư bắt đầu đặt cược vào sự phục hồi của thị trường chứng khoán, biết rằng kinh tế sẽ không sớm bùng nổ trở lại, họ cho rằng mọi thứ sẽ tốt dần lên sau đó. Và họ đã đúng. Ông Slimmon nói: "Chỉ cho đến khi thị trường phục hồi mạnh mẽ, mọi người mới đột nhiên nhận ra, thị trường chứng khoán không sai, tôi đã sai".
Đừng cố đoán thị trường
Với cả đại dịch và khủng hoảng tài chính, nhiều người bán ra cổ phiếu khi có tin xấu và chờ đợi nền kinh tế phục hồi để quay trở lại thị trường. Tuy vậy, có thể họ đã bỏ lỡ sự tăng giá của phần lớn cổ phiếu. Những người không đầu tư vào một số ít những ngày tốt nhất của thị trường có thể bỏ qua mức lãi mà phải mất cả một thời gian dài mới đạt được.
Giả định một người đầu tư 10.000 USD vào quỹ chỉ số S&P 500 vào đầu năm 1980 nhưng bỏ lỡ 5 ngày tốt nhất của thị trường cho đến hết tháng 8/2020, sẽ nhận về mức lợi tức thấp hơn 38 điểm % so với người ở lại đầu tư trong suốt thời gian, theo phân tích của Fidelity Investments.
Việc cố đoán thị trường để lựa chọn thời điểm mua vào hay bán ra không phải là ý tưởng tốt, thay vào đó nhà đầu tư nên có tầm nhìn dài hạn.
Dự báo chỉ là dự báo
Vào thời điểm này năm ngoái, các chiến lược gia hàng đầu của Phố Wall xác định rủi ro lớn nhất đối với thị trường là căng thẳng thương mại ngày một gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, rủi ro này đã nhanh chóng bị thay thế bởi những lo ngại về đại dịch và cuộc suy thoái kinh tế sau đó.
Các chuyên gia hàng đầu từng dự đoán S&P 500 sẽ tăng rất khiêm tốn. Đến tháng 3 năm 2020, các nhà phân tích tại BMO Capital Markets và Oppenheimer Asset Management nói rằng dừng đặt mục tiêu cuối năm vì khó dự đoán đường đi của thị trường. Nhiều nhà đầu tư khác giảm mục tiêu của họ sau đợt bán tháo vào mùa xuân, nhưng sau đó lại tăng kỳ vọng sau khi chứng khoán hồi phục vào mùa hè.
Goldman Sachs Group vào tháng 3 giảm mục tiêu chỉ số S&P đến hết năm xuống còn 3.000, sau đó vào tháng 8 tăng mục tiêu lên 3.600 và dự đoán vào tháng 11 là 3.700. Chỉ số này đóng cửa năm ở mức 3.756 điểm.
Vô số ví dụ về những dự đoán lệch hướng và chưa chuẩn xác cho thấy cần nhiều sự khiêm tốn để học hỏi từ thị trường. Ngay cả các nhà đầu tư và chiến lược gia thông minh nhất cũng sai.
"Bạn luôn nghĩ về xu hướng của thị trường thông qua ảnh hưởng của các biến số điển hình như chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tăng trưởng toàn cầu... nhưng những gì có mức độ ảnh hưởng lớn lại là cú sốc không nhìn thấy được," ông Bassett của Aberdeen nói.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet