Môi giới bất động sản cung cấp thông tin không đầy đủ hoặc không trung thực cho khách hàng có thể sẽ bị phạt từ 120 – 160 triệu đồng theo nội dung dự thảo Nghị định mới Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến.

Sẽ tăng mức phạt đối với môi giới cung cấp thông tin không đúng sự thật

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành xây dựng. Trong đó, có nội dung liên quan đến việc xử phạt với các vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ bất động sản.

Cụ thể, với môi giới bất động sản nếu cung cấp thông tin cho khách hàng không đầy đủ hoặc không đúng như trong hồ sơ thông tin về bất động sản đang rao bán sẽ bị phạt từ 120 – 160 triệu đồng.

Môi giới bất động sản làm việc tự do không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết hạn sẽ bị phạt từ 60 – 80 triệu đồng. Cùng mức phạt này là hành vi tẩy xoá, sửa chữa, cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản để thực hiện các hành vi liên quan đến hoạt động môi giới nhà đất.

Phạt từ 80 – 100 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản mà không lập doanh nghiệp, không đủ số lượng người có chứng chỉ hành nghề theo quy định.

Các sàn giao dịch bất động sản cũng sẽ bị phạt 80 – 100 triệu đồng với các hành vi như không có quy chế hoạt động, tên, địa chỉ theo quy định hoặc không hoạt động đúng với quy chế được chấp thuận; không lập hợp đồng hoặc lập hợp đồng kinh doanh bất động sản không đúng quy định…

Trong trường hợp sàn môi môi giới hoạt động nhưng không có đủ số lượng nhân viên có chứng chỉ hành nghề sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 6 – 12 tháng.

Có chặn được môi giới “nổ”

Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định mới tăng mức xử phạt sẽ ngăn chặn được việc môi giới bất động sản cung cấp thông tin sai sự thật.

Tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” của nhiều môi giới, sàn môi giới vẫn diễn ra nhan nhản suốt nhiều năm qua gây hại cho biết bao khách hàng. Nhiều người đóng tiền tỉ nhưng nhận lại chỉ là những lời hứa suông, công ty không giao đất cũng không trả lại tiền. Người may mắn hơn nắm được đất nhưng chỉ là “cái vỏ” vì đất đã bị công ty cầm cố ở ngân hàng, hoặc dự án dính sai phạm pháp lý là “dự án ma”.

Trong các cơn sốt đất chớp nhoáng từng diễn ra ở nhiều địa phương, giá đất bị thổi lên gấp 3 – 4 lần trong vài ngày cũng có “công lao” rất lớn từ đội ngũ môi giới, cò đất.

Nhiều người mất tiền mua đất vì tin vào hứa hẹn sai sự thật

Bà Minh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) một nạn nhân bị lừa vì tin vào những lời quảng cáo như “rót mật” vào tai của môi giới bất động sản vẫn rất bức xúc mỗi khi chia sẻ câu chuyện của mình.

Bà Minh kể, năm 2020 vì có nhu cầu mua đất ở quận 9 (TP. Thủ Đức) nên tìm hiểu các thông tin rao bán trên mạng biết một công ty đang có sản phẩm nên liên hệ. Phía công ty này hẹn bà tới một địa điểm để dẫn đi xem đất và khẳng định “chắc nịch” vị trí đất ở quận 9.

Tuy nhiên, khi bà Minh cùng hàng chục người khác lên xe thì họ lại chạy thẳng một mạch xuống một khu đất lọt thỏm giữa rừng cao su ở Đồng Nai.

Tại đây, công ty đã chuẩn bị sẵn một buổi mở bán. Môi giới liên tục thúc giục khách hàng đặt cọc với lời hứa về suy nghĩ lại không mua sẽ được trả cọc. Ngoài ra, khách hàng cũng được tham gia trò chơi và trúng thưởng nhiều phần quà giá trị như xe máy SH hay điện thoại đắt tiền…

Bằng chiêu thức trên, bà Minh và nhiều khách hàng đi cùng khác đã đặt cọc với suy nghĩ đơn giản nếu không mua thì lấy lại tiền chẳng mất gì. Tuy nhiên, sau suy nghĩ đơn giản đó là một hành trình đầy chông gai. Phía công ty môi giới ép người mua đóng tiền tiếp nếu không sẽ mất cọc, những phần quà khách trúng thưởng chẳng thấy đâu. Nhiều người tiếc tiền cọc đóng tiếp tiền lại càng bị “sa lầy”.

Ông Bình (TP. Thủ Đức) lại cho rằng, thực ra những quy định xử phạt đối với môi giới, công ty bất động sản cung cấp thông tin sai sự thật đã quy định trong các Nghị định trước đây. Quy định mới chỉ tăng thêm mức phạt nên nếu không có những chế tài và quy định cụ thể thì rất khó để phát hiện và ngăn chặn với các hành vi trên.

Theo ông Bình, ngoài các quy định về luật thì sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng địa phương mang tính quyết định hơn. Nếu địa phương quản lý chặt địa bàn sẽ không có tình trạng môi giới tự tung tự tác. Hay những trường hợp như dự án rao bán rầm rộ, thậm chí xây gần xong thì địa phương mới phát hiện, gọi là “dự án ma” sẽ không còn xảy ra.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME