Bộ Ngoại giao lên tiếng về việc Mỹ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ
NoiThatXhome.vn - Ngày 17/12/2020, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng đã có những phản hồi về việc phản ứng của Việt Nam trước thông tin Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ.
Cụ thể, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: “Trong 25 năm qua, đặc biệt từ khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã chứng kiến một bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế, thương mại và đầu tư.
Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ kinh tế thương mại với Hoa Kỳ, thực hiện nghiêm túc các cam kết cấp cao thỏa thuân thương mại giữa hai nước cũng như các cam kết thương mại đa phương khác. Việt Nam cũng duy trì đối thoại và tham vấn trên tinh thần xây dựng với phía Hoa Kỳ để xử lý các vấn đề vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương theo hướng bền vững và hài hòa lợi ích của cả hai bên”.
Bà Lê Thị Thu Hằng cũng nói thêm: “Khi có bất kỳ vấn đề nào phát sinh trong quan hệ hai nước thì chúng tôi đều có trao đổi, tiếp xúc với phía Hoa Kỳ trên tinh thần thẳng thắn và cởi mở nhằm tháo gỡ các vấn đề này”.
Trước đó, ngày 16/12, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”. Theo đó, lần đầu tiên đưa Việt Nam và Thụy Sỹ vào danh sách thao túng tiền tệ.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa ra quyết định trên dựa theo 3 tiêu chí: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Trong sáng 17/12, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã lên tiếng khẳng định: “Việc điều hành tỷ giá những năm qua - trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam”.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet