Ngày 7/11, Bộ xây dựng ra thông tư nới điều kiện cho vay, ngân hàng nhà nước (NHNN) cũng ra văn bản thúc các ngân hàng triển khai nhanh gói 30.000 tỷ. Đây không phải lần đầu tiên Bộ nới điều kiện cho vay, NHNN thúc NHTM nhưng gói 30.000 tỷ vẫn giải ngân chậm chạp, người mua nhà vẫn đợi mỏi mòn. Nỗ lực từ Bộ xây dựng và NHNN không có tác dụng cứu bất động sản vì không có nguồn cung phù hợp cho đối tượng cần mua nhà.
Mở rộng đối tượng
Ngày 1/6/2013, gói tín dụng 30.000 tỷ chính thức được triển khai để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Trong đó, 70% của gói này (tương đương với 21.000 tỷ) được dành cho người dân vay, còn lại 30% (tương đương 9.000 tỷ) được dành cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đối tượng chính của gói tín dụng này là khách hàng cá nhân, ngoài các điều kiện như: phải thuộc đối tượng lực lượng vũ trang, công nhân viên chức... thì người dân muốn vay được tiền để mua NOXH còn phải chuẩn bị hơn 10 loại giấy tờ khác nhau như: xác nhận của địa phương về tình trạng nhà ở, xác nhận của cơ quan công tác, chứng minh thu nhập...
Vì những thủ tục phức tạp, được cho là làm khó người dân, nên tính đến ngày đến 30/9, các ngân hàng mới tiếp nhận được 619 hồ sơ cá nhân với số tiền 203 tỷ đồng, trong đó chỉ có 590 khách hàng được giải ngân với tổng số tiền 142,5 tỷ đồng. Riêng khách hàng doanh nghiệp, các ngân hàng cũng mới giải ngân 54,8 tỷ đồng.
UBND Thành phố Hà Nội đã từng yêu cầu Sở Xây dựng soạn thảo văn bản để UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước xem xét bổ sung đối tượng mua nhà được phép vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng.
Ông Trần Đình Cường, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết, tính đến ngày 15/10, mới chỉ có 179 khách hàng là cá nhân tại TP.HCM được vay gói tín dụng 30.000 tỉ đồng (lãi suất 6%/năm) của Chính phủ, chưa có doanh nghiệp nào tại TP.HCM được vay vốn trong gói hỗ trợ trên.
Trước sức ép về tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ, ngày 7/11, Bộ Xây dựng đã ra thông tư bổ sung thêm những đối tượng được tiếp cận gói hỗ trợ. Cụ thể những người chưa có nhà mà đã có đất ở được cấp sổ đỏ nhưng diện tích tại đây nhỏ hơn mức quy định được cấp phép xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng sẽ được vay vốn.
Trường hợp con, cháu của chủ hộ đã lập gia đình (có giấy chứng nhận kết hôn) và người ở nhờ nhưng có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú cùng với chủ hộ thì được coi là gia đình độc lập cũng thuộc đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở. Trong khi đó, theo quy định cũ mỗi hộ gia đình chỉ được vay một lần từ gói trên.
Ngày 7/11, Bộ xây dựng ra thông tư nới điều kiện cho vay, ngân hàng nhà nước (NHNN) cũng ra văn bản thúc các ngân hàng triển khai nhanh gói 30.000 tỷ
Với doanh nghiệp, trước đây, chỉ đơn vị xây nhà ở xã hội hoặc dự án chuyển đổi công năng từ nhà thương mại sang xã hội mới được vay vốn. Hiện những chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở sinh viên, công nhân khu công nghiệp cũng được vay vốn.
Theo Thông tư này, việc tính diện tích căn hộ được quy định linh hoạt hơn. Cụ thể, phần diện tích sàn ghi trong hợp đồng mua, bán nhà ở hình thành trong tương lai giữa chủ đầu tư và khách hàng là tạm tính theo thiết kế nhưng với quy mô nhỏ hơn 70 m2. Tuy nhiên, khi hoàn công, diện tích này có thể thay đổi theo thực tế nhưng không vượt quá 5%. Văn bản này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11 tới.
Bộ Xây dựng, NHNN bất lực?
Gói 30.000 tỷ giải ngân chậm chạp. Theo Bộ Xây dựng, lý do lớn nhất khiến người thu nhập thấp khó tiếp cận gói 30.000 tỷ vẫn là việc bắt họ phải chứng minh được khả năng trả nợ. Đây là một điều khoản quá khó đối với người lao động tự do, cho dù hàng tháng hoặc hàng quý họ vẫn xoay xở được một món tiền đủ để trả nợ ngân hàng theo cam kết.
Còn NHNN lại cho rằng, một trong những nguyên là do thủ tục chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội còn chậm. Nhiều ngân hàng thương mại đã lên tiếng về việc có nhiều dự án phía ngân hàng đã làm xong thủ tục thẩm tra hồ sơ nhưng cả ngân hàng và doanh nghiệp vẫn phải chờ thủ tục chuyển đổi chức năng sử dụng của dự án từ ngành xây dựng.
Ngày 7/11/2013, NHNN cũng có văn bản gửi Ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và MHB về việc cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Trước đó, ngày 4/7, NHNN cũng đã gửi văn bản thúc 5 ngân hàng trên đẩy mạnh triển khai cho vay gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng.
NHNN và Bộ Xây dựng là các đơn vị đưa ra điều kiện xét duyệt vay vốn 30.000 tỷ, nhưng các ngân hàng thương mại thực chất mới là nơi nắm quyền quyết định có cho khách hàng là người dân hay doanh nghiệp vay hay không.
Nên tốc độ nhanh hay chậm, muốn giải ngân hay không muốn giải ngân, quy trình thực hiện như thế nào... đều phụ thuộc vào 5 ngân hàng đã được chỉ định.
Trước đó, trả lời báo Đất Việt, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội xây dựng Việt Nam cho biết, 30.000 tỷ đồng đưa vào thực hiện chính sách nhà ở xã hội là một sai lầm.
Ông Phạm Sỹ Liêm đề xuất, Chính Phủ và Bộ xây dựng phải lấy phát triển nhà ở phổ cập làm trọng tâm và 30.000 tỷ để thúc đẩy cho thị trường sản xuất nhà ở phổ cập. Theo ông Liêm, nhà ở phổ cập là nhà cho người có thu nhập trung bình có thể tiếp cận với giá phải trả hàng tháng chiếm 30% tổng thu nhập.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, gói 30.000 tỷ không thể cứu được thị trường BĐS và đã thất bại thảm hại.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME