Bức xúc nhà ở công nhân
Nhiều dự án nhà ở công nhân chậm triển khai vì đói vốn, kéo theo hàng vạn công nhân tại nhiều Khu công nghiệp (KCN) sống trong tình cảnh tạm bợ.
Chưa đạt 10% kế hoạch
Thống kê của Bộ Xây dựng, các địa phương trong cả nước đã đăng ký 110 dự án xây dựng nhà ở cho công nhân, nhưng đến nay, mới có 27 dự án được khởi công, với tổng vốn đầu tư 3.015 tỷ đồng.
Hiện mới có 9/27 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nhu cầu về nhà ở công nhân trên địa bàn Hà Nội rất lớn và bức xúc, việc xây dựng nhà ở công nhân KCN của TP Hà Nội đang ở giai đoạn thí điểm, mới đáp ứng được gần 5% nhu cầu.
Lý giải về việc các dự án nhà ở cho công nhân chậm triển khai, ông Tuấn cho hay, để thu hút các doanh nghiệp tham gia vào thị trường này, Nhà nước có một số chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi tín dụng, cho phép doanh nghiệp xây dựng nhà cho công nhân thuê được tính chi phí nhà ở là chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nhà ở trên phạm vi cả nước cho thấy việc triển khai các dự án nhà ở cho công nhân tại các KCN, KCX thời gian vừa qua chậm và không đáp ứng được yêu cầu. Con số đã đưa vào sử dụng chưa đạt 10%. Đặc biệt, tại TP.Hà Nội với nhiều KCN tập trung lớn nhưng mới chỉ có duy nhất 1 khu nhà ở cho công nhân được đưa vào sử dụng tại Kim Chung, Đông Anh, đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu.
Hà Nội hiện có 18 KCN, trong đó có 8 KCN tập trung đang hoạt động với 200.000 công nhân. Bên cạnh đó còn một lượng lớn người lao động đang làm việc tại các cụm công nghiệp. Dự kiến đến năm 2015, số công nhân làm việc tại các KCN sẽ tăng lên gấp 3 lần, trong đó cần đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 500.000.
Ở thời điểm hiện tại, mới có hơn 10.000 công nhân được đáp ứng chỗ ở. Tuy vậy theo quyết định mới đây của Chính phủ thì những dự án sau năm 2009 sẽ không còn được ưu đãi về thuế, trong khi vốn vay ngân hàng gần như không thể tiếp cận.
Gỡ khó cho nhà ở công nhân thế nào?
Theo ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vinaconex (đơn vị tham gia vào nhiều dự án nhà ở cho công nhân) thì các doanh nghiệp tham gia hiện đang có rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ từ cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước cho đến vốn đầu tư.
Ông Phương cho rằng, để phát triển nhà ở cho công nhân cần có sự chung tay từ nhiều phía. Đầu tiên Nhà nước cần hỗ trợ chính sách, các tổ chức tín dụng cho ưu đãi vay vốn, doanh nghiệp sử dụng lao động giúp công nhân chỗ ở, nhà đầu tư đưa ra giá thành hợp lý và cuối cùng là người lao động phải chủ động tích lũy tài chính để thuê hoặc mua nhà nhằm ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên quan trọng nhất là vốn vay ưu đãi cho chủ đầu tư. Đây cũng là phần khó nhất ở phía các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Còn ông Bùi Đức Long – Tổng Giám đốc Tập đoàn Vicoland thì cho rằng, ngoài được hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng thì bản thân chủ các KCN, KCX phải quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng để có hoàn thành và đưa vào sử dụng hoàng loạt các dự án nhà ở công nhân đang chậm triển khai.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong số 27 dự án đã khởi công chỉ có duy nhất 1 dự án được ngân hàng Phát triển Việt Nam ký hợp đồng tín dụng cho vay vốn ưu đãi, còn lại đều sử dụng vốn từ ngân sách.
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, hiện Bộ Xây dựng đang phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thí điểm cho vay ưu đãi đối với các dự án phát triển nhà ở công nhân. Trước mắt Bộ Xây dựng đang đề xuất giải quyết cho vay vốn ưu đãi đối với 11 dự án nhà ở công nhân KCN có quy mô chiếm đất 50 ha. Các dự án này hoàn thành sẽ đáp ứng được chỗ ở cho 60.000 công nhân
Ông Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng, để giải bài toán nhà ở cho công nhân cần thiết phải có chính sách quy định về việc hình thành nguồn vốn hoặc quỹ phát triển nhà ở, quỹ hỗ trợ thuê nhà ở cho doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân. Nên xem xét việc giao trách nhiệm cho ngân hàng chính sách xã hội hoặc một số ngân hàng thuộc hệ thống ngân hàng nhà nước nhiệm vụ cho vay để xây dựng nhà ở cho công nhân bởi vì vay vốn để phát triển loại nhà ở này rất khó khăn.
Lý do rất dễ nhận ra rằng do loại hình nhà ở này thu hồi vốn chậm, lãi suất thấp nên các tổ chức tín dụng sẽ không mặn mà. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu thực hiện các ưu đãi về đất đai, tín dụng đầu tư, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp… đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các KCN để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
“Giải quyết nguồn vốn để triển khai các dự án nhà ở sẽ góp phần giải quyết nhu cầu bức xúc cho công nhân đồng thời là đi đúng theo sự chỉ đạo của Chính phủ”, ông Khánh kết luận.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet