Các ứng dụng công nghệ 4.0 định hình ngành bất động sản
NoiThatXhome.vn - Cách mạng công nghệ 4.0 đang có những bước phát triển mạnh mẽ lên rất nhiều ngành nghề, ăn sâu vào mọi khía cạnh của công việc và cuộc sống của mỗi cá nhân. Không đứng ngoài cuộc, những ứng dụng công nghệ trong ngành bất động sản ngày càng trở nên mạnh mẽ. Tiến bộ công nghệ mới giúp công việc của những người hoạt động trong ngành trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí hơn.
Người mua bất động sản ngày nay có thể nhìn thấy một quang cảnh của một khu dân cư cách xa cả nghìn dặm qua cảnh quay từ các thiết bị như flycam hay máy bay không người lái. Nhà đầu tư có thể mua nhà trực tuyến mà không cần lấy bút ra ký hợp đồng. Người mua cũng có thể tìm kiếm danh sách các sản phẩm bất động sản mới đơn giản chỉ bằng vài cú nhấn chuột. Con người cũng có thể tận hưởng những tiện nghi hiện đại trong một ngôi nhà thông minh, một thành phố thông minh.
Dưới đây là một số công nghệ mới đang định hình ngành bất động sản. Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có thể đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách cập nhật và ứng dụng các xu hướng mới nhất.
Công nghệ Blockchain
Công nghệ Blockchain giúp khách hàng và các công ty có thể xử lý các giao dịch lớn mà không cần thông qua các trung gian nhờ tính bảo mật, độ tin cậy cao vì mỗi giao dịch đều được ghi lại và không thể đảo ngược. Hai ứng dụng mà blockchain dự kiến sẽ tạo ra cú sốc thay đổi lớn nhất cho ngành bất động sản là mã hóa thông tin và hợp đồng thông minh.
Mã hóa thông tin: Mã hóa trong lĩnh vực bất động sản có nghĩa là sử dụng công nghệ blockchain để mã hóa và chia tài sản thành các phần khác nhau. Thực tế đã có nhiều công ty và doanh nghiệp mới khởi nghiệp sử dụng các giải pháp dựa trên nền tảng blockchain trong ngành bất động sản. Hầu hết họ cung cấp một số hình thức mã hóa tài sản – tokenization. Điều đó có nghĩa là mọi người đều có thể đầu tư vào bất động sản bằng cách mua token kỹ thuật số đại diện cho một bất động sản nào đó. Token này sẽ được sử dụng như một loại cổ phần của chủ sở hữu.
Theo cách thức này, chủ nhà có thể bán bớt một phần tài sản của họ và các nhà đầu tư bán lại cổ phần của họ trên thị trường mở thông qua các sàn giao dịch thứ cấp. Các cá nhân từ các mức thu nhập và địa điểm khác nhau có thể tiếp cận với các cơ hội đầu tư mà trước đây thường nằm ngoài tầm với.
Tại Việt Nam, đây vẫn là một hình thức mới và hành lang pháp lý cho các giao dịch này chưa có. Tuy nhiên, những ứng dụng công nghệ này trên thị trường bất động sản chắc chắn sẽ vô cùng tiềm năng.
Hợp đồng thông minh: Hợp đồng thông minh dựa trên công nghệ blockchain để ghi lại giao dịch giữa người mua và người bán (hoặc người thuê và chủ nhà). Người mua có thể gửi thông tin của họ trên một khối được mã hóa trực tiếp cho người bán. Cách thức này có thể không cần dùng đến trung gian và có thể vừa tăng tốc giao dịch vừa giảm nguy cơ gian lận. Đặc biệt, người mua và người bán hay người thuê và người đi thuê không cần phải gặp trực tiếp vẫn có thể thực hiện giao dịch với mức độ tin cậy cao.
Tại Việt Nam hiện nay đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp cung cấp sản phẩm công nghệ ứng dụng blockchain để đầu tư vào các dự án bất động sản. Cụ thể, tháng 2/2020, Công ty cổ phần Tập đoàn Thế Kỷ - Cen Group chính thức công bố đầu tư Revex – nền tảng công nghệ đầu tư chung bất động sản. Thành lập từ năm 2018, Revex được xây dựng trên nền tảng Smart Contract (hợp đồng thông minh) với nền tảng blockchain. Phân khúc khách hàng mà Revex hướng đến là các cá nhân có thể đầu tư từ 1 triệu đồng. Các nhà đầu tư có thể góp vốn để cùng đầu tư chung, tùy vào năng lực tài chính của mình.
Hay FinSo - giải pháp tài chính, công nghệ (Fintech Platform) kết nối giữa chủ dự án với nhà đầu tư thông qua phần đầu tư bất động sản chia nhỏ (Tokennization) với đòn bẩy tài chính vay ngang hàng (P2P lending). Đây là sản phẩm công nghệ góp phần giải quyết bài toán cho những cá nhân muốn đầu tư vào những dự án bất động sản lớn nhưng lại không có số vốn đủ lớn để tham gia. Song song đó, các chủ dự án không phải lúc nào cũng có thể vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu vì nhiều lý do.
Giới chuyên gia nhận định, blockchain đã đặt nền móng mới cho ngành bất động sản. Nếu công nghệ này có thể tăng tính thanh khoản và giảm các chi phí thì sẽ có thể loại bỏ được một số rào cản đáng kể cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, sẽ cần có một khoảng thời gian nhất định trước khi đạt được mục tiêu này do Việt Nam hiện nay cần thêm các hàng rào bảo vệ cho cả hệ thống cũng như dữ liệu thông tin và hành lang pháp lý.
Từng chia sẻ về những thách thức khi ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam, ông Matthew Powell, Giám đốc Công ty TNHH Savills Hà Nội, cho biết: “Ứng dụng công nghệ blockchain không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới là một việc khá thách thức, nó đòi hỏi khá nhiều công sức, sự kết hợp giữa đơn vị tư nhân và kể cả chính quyền nhà nước”.
Chẳng hạn như việc chuyển thông tin đang ở dưới dạng bản cứng và mã hóa nó để nhập lên một hệ thống thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Thách thức thứ hai là các đơn vị chủ quản như nhà nước đang quản lý thông tin bất động sản cần thời gian để nắm bắt và làm quen với công nghệ blockchain.
Ứng dụng kinh tế chia sẻ
Kinh tế chia sẻ phát triển dựa trên 3 yếu tố chính, cho phép chia sẻ các nguồn lực. Thứ nhất, hành vi của khách hàng đối với nhiều hàng hóa và dịch vụ thay đổi từ sở hữu đến chia sẻ. Thứ hai, các mạng xã hội trực tuyến và thị trường điện tử dễ dàng hơn liên kết người tiêu dùng. Thứ ba, các thiết bị di động và các dịch vụ điện tử làm cho việc sử dụng hàng hóa được chia sẻ và các dịch vụ thuận tiện hơn.
Ngày nay, thay vì mua một chiếc ô tô, người ta có thể đi thuê nó với một chi phí rẻ hơn và thuận tiện hơn. Thay vì đi thuê một địa điểm để mở văn phòng, mua sắm đồ nội thất cho văn phòng, công ty chỉ cần thuê một số bàn làm việc ở trong một văn phòng nào đó và sử dụng chung các tiện ích. Thay vì phải thuê một phòng ở khách sạn với chi phí cao khách du lịch có thể thuê một phòng nào đó của một hộ gia đình đang dư thừa với chi phí rẻ.
Về bản chất, đây là một mô hình kinh doanh ngang hàng, tận dụng lợi thế của phát triển công nghệ số giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số. Kinh tế chia sẻ phổ biến trong lĩnh vực chia sẻ xe ô tô tư nhân; chia sẻ nhà ở, văn phòng làm việc, đồ nội thất…
Các công ty chia sẻ phòng như WeWork đã giúp các doanh nghiệp có một nơi làm việc thuận tiện như một văn phòng nhưng lại vô cùng linh hoạt về thời gian, địa điểm và với mức chi phí thấp nhất. WeWork đã tạo nên một sự thay đổi lớn trong ngành bất động sản văn phòng.
Các công ty như CasaOne cho phép các cá nhân và doanh nghiệp thuê đồ nội thất hàng tháng thay vì họ mất một số tiền lớn để mua các đồ nội thất và phải thanh lý với giá rẻ khi không còn sử dụng. Theo đó, các thiết bị nội thất sẽ được sử dụng một cách tối ưu nhất, người thuê tiết kiệm được chi phí và chọn được những thiết bị theo sở thích của mình.
Công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ nhà ở Airbnb mới được niêm yết đã có giá trị thị trường hơn trăm tỉ USD. Công ty này không sở hữu bất kỳ khách sạn nào trong tay, nhưng đang kinh doanh trên một hệ thống khách sạn lớn nhất thế giới. Bất kể khó khăn của ngành du lịch, công ty đứng đầu trong lĩnh vực chia sẻ dịch vụ nhà ở vẫn được nhà đầu tư tin tưởng vào tương lai của ngành này.
Tại Việt Nam, mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực bất động sản cũng đang nở rộ. Hàng loạt các startup cho dịch vụ cho thuê phòng trực tuyến tại Việt Nam như Luxstay, Homestay, Mystay hay mô hình đầu tư bất động sản chung với số vốn nhỏ RealStake cũng ra đời như một “sản phẩm” của nền kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực bất động sản.
Trong đó, Luxstay – nền tảng chia sẻ phòng với mạng lưới hàng chục ngàn địa điểm lưu trú cao cấp khắp cả nước đang gây nhiều sự chú ý gần đây. Xuất hiện để gọi vốn trong chương trình Shark Tank Việt Nam, CEO Luxstay Nguyễn Văn Dũng khẳng định startup ra đời từ năm 2017 này được tạo nên từ sự kết hợp của ba từ khóa chính du lịch, bất động sản và công nghệ. Trong đó, nền tảng công nghệ đóng vai trò trung gian, kết nối xử lý các yêu cầu của khách hàng và người kinh doanh. So với các dịch vụ truyền thống là đại lý du lịch và dịch vụ môi giới, với sự phát triển của các ứng dụng công nghệ, khách hàng có thể dễ dàng thực hiện các dịch vụ qua Internet.
Trí tuệ nhân tạo (AI)
Mặc dù vẫn là một xu hướng tương đối mới, nhưng AI đã giúp các đại lý và nhà môi giới hiểu rõ hơn và phân tích dữ liệu để hỗ trợ khách hàng của họ và đảm bảo bán hàng. Công nghệ AI đang nâng cao trải nghiệm mua và bán nhà. Một số ứng dụng AI có thể trả lời các câu hỏi chi tiết về một ngôi nhà, chẳng hạn như nó có hồ bơi hay sân sau hay không. Công nghệ AI chi tiết hơn cung cấp cho khách hàng tiềm năng, cải thiện quá trình tìm kiếm nhà. Nó cũng giúp các đại lý tìm được khách hàng tiềm năng nhất qua đó tăng tỷ lệ bán bất động sản.
Tại Việt Nam, nhiều sàn giao dịch có tiềm lực tài chính đã tung ra các phương thức kinh doanh mới, như bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng ngày càng tốt hơn.
Nhiều startup cũng đã cho ra thị trường các sản phẩm công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào mảng dịch vụ bất động sản. Chẳng hạn như Uland.com.vn là website cung cấp 1 giải pháp tìm mua hoặc cho thuê bất động sản kiểu mới tại Việt Nam. ULAND phát triển công nghệ lõi AI ứng dụng việc đọc hiểu nhu cầu khách hàng, đưa ra đánh giá mức độ phù hợp của các bất động sản có sẵn, giúp khách hàng rút ngắn thời gian tham khảo. Người dùng chỉ cần chia sẻ nhu cầu mua nhà, cộng đồng trên website sẽ cung cấp những bất động sản phù hợp.
Không chỉ ứng dụng trong việc bán hàng, tiếp thị AI còn được ứng dụng trong vấn đề thiết kế, xây dựng và quản lý nhà cửa. Thậm chí AI giúp các nhà đầu tư thu thập thông tin, đánh giá được các dự án bất động sản tiềm năng để đưa ra được các tư vấn, quyết định đầu tư có hiệu quả.
Công nghệ nhà thông minh
Những ngôi nhà đang thay đổi theo chiều hướng tốt hơn nhờ công nghệ nhà thông minh. Không chỉ các chủ đầu tư các dự án bất động sản đang sử dụng các thiết bị thông minh như điều khiển nhà thông minh Amazon Echo hoặc Google Home, nhiều gia đình hiện đang xây dựng ngôi nhà của mình sử dụng các thiết bị công nghệ nhà thông minh. Một số công nghệ nhà thông minh tích hợp sẵn phổ biến nhất hiện nay như hệ thống an ninh, hệ thống ánh sáng, hệ thống điều khiển nhiệt độ, âm thanh, hệ thống giám sát từ xa…
Khi các thiết bị này trở thành tiêu chuẩn cho các công trình xây dựng mới, người mua sẽ có nhiều khả năng chọn một ngôi nhà có những tính năng này. Mặc dù nhiều người nghĩ rằng những loại tính năng này có thể chỉ phổ biến với một nhóm trẻ tuổi, nhưng điều đó thực sự không đúng. Nhiều người mua ở độ tuổi trung niên cũng đang mong muốn sở hữu một ngôi nhà được trang bị đầy đủ các công nghệ thông minh để giúp họ tiết kiệm thời gian và sống một phong cách sống tiện lợi hơn.
Tại Việt Nam, các nhà phát triển bất động sản trong nước điển hình như Sunshine Group đã xây dựng hàng loạt các ngôi nhà thông minh cùng hệ sinh thái hiện đại bằng cách tích hợp công nghệ mới vào các sản phẩm của họ. Nổi bật trong đó là ứng dụng Sunshine Cab có chức năng gọi xe đưa đón tương tự như Grab dành cho cư dân, các chức năng quản gia thông minh cũng như siêu thị trực tuyến cũng được tích hợp cho cư dân thông qua ứng dụng của chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã xuất hiện hàng loạt những dự án đô thị thông minh đã và đang gia nhập thị trường có thể kể đến như BRG Smart City tại Hà Nội, Dragon Smart City tại Đà Nẵng và Thu Thiem Eco Smart City tại TP. HCM…
Những dự án này được kỳ vọng sẽ cung cấp hàng loạt tính năng công nghệ mới bao gồm cả quy hoạch cảnh quan thông minh với cơ sở hạ tầng tiên tiến, nhằm xây dựng những đô thị hiện đại và thân thiện với môi trường, nơi mà cư dân có thể tận hưởng các dịch vụ tích hợp chỉ với vài bước đi bộ
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet