Cần Thơ: Có hay không chuyện "bán đổ, bán tháo" nhà đất sau dịch?
Dịch bệnh kéo dài, gần 100% doanh nghiệp ngưng hoạt động, trong đó có nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS). Họ sẽ bán rẻ để thu hồi vốn?
Doanh nghiệp nói gì?
Sau gần 3 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường nhà đất ở ĐBSCL cũng như TP Cần Thơ gần như “đứng kim”. Trong gần 3 tháng qua, do giãn cách xã hội, "ai ở đâu ở đó" nên không phát sinh giao dịch.
Dự án khu dân cư Nam Long ở TP Cần Thơ.
Đã có nhiều suy đoán về những khó khăn về thị trường BĐS sau khi cuộc sống trở lại bình thường mới. Gần đây có ý kiến cho rằng, do những khó khăn chồng chất về lãi vay ngân hàng, về thị trường đóng băng, sẽ có đợt bán đổ bán tháo nhà đất từ nay đến cuối năm 2021 và năm 2022 để doanh nghiệp xoay xở.
“Nhà đất dự án bán đổ bán tháo thì chắc không xảy ra, vì những chủ đầu tư dự án khu dân cư phần lớn đã bán nền theo hợp đồng góp vốn rồi. Vì vậy, các dự án này không còn đất nền nhiều. Số đất nền còn lại, họ cũng không vội gì bán trong lúc thị trường xuống thấp.
Riêng các dự án BĐS mới được phê duyệt chủ trương từ năm 2019, hiện nay mới có nền. Các dự án này, theo phê duyệt phải hoàn thành hạ tầng hoặc xây dựng nhà mới được sang nhượng. Vì vậy, càng khó có chuyện bán đổ bán tháo nhà đất do khó khăn tài chính”, ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Cần Thơ - Sóc Trăng nói vậy.
PV cũng đã theo dõi một số nền rao bán ở khu vực quận Bình Thủy (TP Cần Thơ). Dù là rao bán “Hạ giá sâu để cắt lỗ”… nhưng đây là những mảnh đất trước dịch vẫn rao mà chưa bán được, giờ chỉ giảm 20-30 triệu đồng. Lời ra “cắt lỗ” chỉ là chiêu để thu hút khách.
Ông Lê Phương Đông, Trưởng Văn phòng đại diện Hội Môi giới BĐS Việt Nam - khu vực ĐBSCL cho biết: “Thị trường BĐS tại TP Cần Thơ có mức giá tương đối thấp so với nhiều thành phố lớn khác, khách hàng chủ yếu là người dân các tỉnh lân cận trong khu vực ĐBSCL, mua nhà cho con đi học, mua để an cư.
Hoặc khách có mua đầu tư cũng không có tình trạng mua gom hàng với số lượng lớn. Do đó, tình trạng BĐS biến động giảm giá sâu trong hoặc sau mùa dịch chưa nghiêm trọng như nhiều địa phương khác”.
Nhưng sẽ giảm nhẹ bước đầu
Cũng theo ông Hùng, khả năng những người lướt sóng BĐS, mua bằng vốn vay ngân hàng lên đến 70-80% giá trị nhà, đất; chủ yếu kinh doanh bằng vốn vay, khi nhà đất chững lại, giá sụt, phải trả nợ ngân hàng thì những người này sẽ bán cắt lỗ. Tuy nhiên, đây không phải là phong trào nên không quan ngại thị trường BĐS sẽ chao đảo và sụt giảm trầm trọng.
Cũng như cả nước, nhiều dự án ở Cần Thơ trong 4 năm qua tăng giá rất sốc. Tiêu biểu như dự án khu dân cư Hồng Phát; Nam Long, Hồng Loan... từ năm 2017 đến nay, giá đất nền dự án tăng lên từ 4 - 6 lần so với giá năm 2017. Với các dự án này, đất nền nếu giảm giá khoảng 20 -30% cũng là chuyện bình thường của thị trường BĐS.
Tại Cần Thơ cũng như nhiều tỉnh ĐBSCL, các công ty môi giới BĐS hợp tác với chủ đầu tư bán sản phẩm nhà đất. Đây là một lĩnh vực khá tế nhị trong điều kiện thị trường nhà đất gặp biến cố như hiện nay. Theo giám đốc 1 công ty môi giới, giá nhà đất bán sau dịch sẽ không giảm nhiều. Có thể để kích thích thị trường, công ty sẽ tăng khuyến mãi khi bán hàng và giãn cách thời gian nộp tiền cho khách hàng.
Các chủ dự án vẫn tuyên bố sẽ bán nhà đất đúng với giá trị. Trong ảnh là khu dân cư Hồng Phát ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Giám đốc 1 dự án khu dân cư ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cho biết: “Với những người kinh doanh BĐS không chuyên nghiệp, vay tiền ngân hàng theo kiểu lướt sóng, gặp sóng gió thị trường như hiện nay, họ có thể bán đổ, bán tháo cắt lỗ tiền vay ngân hàng.
Riêng với các dự án, chủ đầu tư có chiến lược, có vốn và chúng tôi đủ khả năng chống chịu với sóng gió thị trường. Chúng tôi sẽ bán nhà đất đúng với giá trị của nó. Vì đất dự án của chúng tôi ở trung tâm quận Ninh Kiều nên chúng tôi không vội”.
Những trường hợp rao bán giảm giá trên thị trường hiện nay chủ yếu là giảm so với mức giá kỳ vọng đã rao trước đây hoặc rao bằng với giá gốc tại thời điểm mua nếu đang chịu áp lực lãi vay ngân hàng.
Cũng theo ông Lê Phương Đông, tác động của đại dịch Covid-19 lên lĩnh vực BĐS đúng là khiến các nhà đầu tư khó khăn hơn. Muốn khôi phục lại các dự án phải chờ tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các đơn vị cung ứng vật tư xây dựng quay trở lại hoạt động, các công trình đảm bảo an toàn phòng, chống dịch được phép thi công trở lại.
Tuy nhiên, ngoài dự báo thị trường nhà đất giảm giá 10 - 30% theo quy luật kinh tế suy thoái, nhà đất giảm giá, không loại trừ khả năng lạm phát ảnh hưởng giá nhà đất. Lúc đó nhà đất không giảm mà còn tăng như thị trường nhà đất ở Mỹ, Úc, Đức, Canada... hiện nay.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet