Phương án thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện được đánh giá là táo bạo song tổ soạn thảo đề án và đa số đại biểu không lựa chọn.

Ngày 8/10, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các ban Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các bộ, ban, ngành Trung ương về dự thảo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.

Trước đó, cuối năm 2017, Thành uỷ Hà Nội thông báo Bộ Chính trị đã đồng ý để TP thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật.

Hai phương án thí điểm

Ông Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Tổ trưởng tổ soạn thảo đề án, cho biết những thách thức về đô thị hóa, hội nhập quốc tế, sự gia tăng dân số, áp lực về cơ sở hạ tầng, giao thông... đòi hỏi một cơ chế, chính sách hợp lý cũng như mô hình quản lý phù hợp với đặc thù đô thị của Hà Nội.

Ông Hoàng Trung Hải, Bí thư thành ủy TP Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tân.

Dự thảo đề xuất 2 phương án thí điểm mô hình tổ chức. Phương án 1 là xây dựng mô hình 2 cấp chính quyền gồm thành phố và quận, huyện, thị xã; một cấp hành chính tại xã, phường, thị trấn.

Theo phương án 1, thành phố sẽ tiết kiệm được khoảng 700 biên chế là chủ tịch, phó chủ tịch HĐND xã, phường, thị trấn chuyên trách. Nhược điểm là chưa thực hiện triệt để yêu cầu tinh gọn bộ máy.

Theo phương án 2, Hà Nội chủ trương xây dựng một cấp chính quyền thành phố, một cấp hành chính quận, huyện thị xã và một cơ quan hành chính đại diện ở xã phường thị trấn. HĐND ở các cấp quận, huyện, thị xã, xã phường, thị trấn được xoá bỏ.

Năm 2017, ước tính tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước chi cho hoạt động của HĐND và chi cho hoạt động phí của đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn ở Hà Nội là khoảng 188 tỷ đồng. Kinh phí rút từ ngân sách nhà nước chi cho HĐND và hoạt động phí của đại biểu HĐND cấp quận, huyện, thị xã là hơn 65 tỷ đồng.

Nhược điểm của phương án 2 là tạo sự thay đổi, xáo trộn lớn trong tổ chức, hoạt động của bộ máy chính quyền ở 2 cấp. Phải sửa đổi, ban hành thêm luật để phù hợp với với mô hình tổ chức một cấp chính quyền.

Hiện, đa số đại biểu đồng tình chọn phương án 1 vì tính khả thi và an toàn. Tổ soạn thảo đề án cũng đề nghị việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội theo phương án 1.

Phát biểu tại hội thảo, một số ý kiến từ một số cơ quan Trung ương mong muốn Hà Nội lựa chọn phương án 2 vì sự táo bạo và tính triệt để. Phương án 1 khó tạo ra thay đổi lớn.

'Người dân phải được hưởng thụ tối đa'

Góp ý cho dự thảo đề án, ông Trần Việt Hùng, Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng, nhấn mạnh việc bổ sung thêm các mục tiêu, trong đó tập trung cốt lõi vào việc người dân phải được hưởng thụ tối đa hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị.

Ông Trần Việt Hùng, Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng. Ảnh: Ngọc Tân.

Những mục tiêu đó phải được cụ thể hóa như đổi mới cách thức làm việc, minh bạch hơn. Cho người dân được tham gia tối đa vào các quyết sách của chính quyền với tư cách là chủ thể xã hội. Cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn, giảm phiền hà cho người dân.

"Hiện người dân vẫn còn nhiều phàn nàn", ông Hùng nhận xét.

Ý tưởng chính quyền thông minh, chính quyền điện tử hay chính quyền xanh đã được nhắc đến nhiều. Ông Hùng nhấn mạnh để có đô thị thông minh, bộ máy chính quyền cũng phải tương xứng. Trong khi đó, thực trạng là nhiều lãnh đạo không dùng công nghệ thông tin, nếu có cũng rất ít, không trở thành nề nếp công tác. Điều này khiến cho hệ thống chính quyền điện tử khó vận hành.

Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng cũng lưu ý đề án thí điểm phải được đánh giá kỹ từng bước thực hiện. Khi đã làm thì quyết làm. Tránh tâm lý "thí điểm trong thí điểm".

Nhiều đại biểu cho rằng chính quyền đô thị phải là chính quyền tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, minh bạch, có đủ thẩm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, giải quyết tốt hơn các yêu cầu của người dân, bảo đảm được môi trường bình yên cho người dân và đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Các địa phương mong Hà Nội thí điểm thành công

Theo lãnh đạo Hà Nội, việc xây dựng chính quyền đô thị Hà Nội được kỳ vọng sẽ giải quyết nhiều nguy cơ, thách thức mà hệ thống chính quyền hiện tại khó có khả năng. Một trong số đó là sức ép từ làn sóng di dân tự do.

Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải nhắc lại thực tế trong giai đoạn trước, tăng trưởng kinh tế ở mức 8,5% mỗi năm, tăng trưởng dân số 1,8-1,9% mỗi năm (di dân tự do), nhưng tăng trưởng đầu tư hạ tầng chỉ có 3,4%. Đây là vấn đề rất lớn mà chính quyền đô thị phải giải quyết.

"Dân cứ về, đường xá, nhà cửa, trường học không kịp đầu tư. Chúng tôi gọi tình thế khi đó là nhìn thấy thảm họa mà không biết tránh thế nào", ông Hải chia sẻ.

Bí thư Hoàng Trung Hải thừa nhận việc xây dựng chính quyền đô thị tại Hà Nội đã được đặt ra từ lâu, trải qua nhiều nhiệm kỳ vẫn loay hoay không có câu trả lời. Các địa phương đều nóng lòng mong chờ Hà Nội thí điểm thành công để họ làm theo. Tuy nhiên việc thực hiện vẫn phải đi từng bước chắc chắn.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME