Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cho rằng cả doanh nghiệp và người dân đã kiệt quệ, không thể cầm cự lâu do giãn cách kéo dài không xác định.

Trong bối cảnh TP.HCM đang tiếp tục "căng mình" chiến đấu để kiểm soát dịch COVID-19, thì câu hỏi đặt ra là khi nào TP đầu tàu kinh tế của cả nước mới được mở cửa. Nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, họ đang "thoi thóp" và ráng cầm cự, nếu tình hình giãn cách kéo dài sẽ không thể trụ nổi.

Doanh nghiệp kiệt sức

Trả lời VTC News, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, thời gian giãn cách kéo dài vài tháng qua đã tác động rất lớn đến doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ. Những hộ kinh doanh, người buôn bán, công nhân xây dựng sống bằng thu nhập hàng ngày cũng khó có thể trụ được.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Ông Hải cho rằng, thời gian ngưng trệ các hoạt động kinh tế, sản xuất và lưu thông hàng hóa kéo dài một cách không xác định, trong khi chúng ta đã phải chấp nhận rủi ro lây lan do không còn kiểm soát triệt để F0, F1 thì cả hai mục tiêu duy trì phát triển kinh tế và đẩy lùi dịch bệnh chúng ta sẽ khó có thể đạt được.

Riêng về ngành xây dựng, từ cuối năm 2017 đến nay đã đối diện với nhiều khó khăn. Đến năm 2020, đại dịch COVID-19 như "cú bồi" cho ngành bất động sản khi hầu hết dự án du lịch nghỉ dưỡng bị tạm ngưng và trong hơn 3 tháng vừa qua các công trình xây dựng tại các tỉnh thành áp dụng Chỉ thị 16 mức cao đã phải tạm dừng thi công.

"Trước thực trạng này, các doanh nghiệp xây dựng không làm ra sản lượng, doanh thu giảm kéo theo nhiều hệ lụy khác. Dù hiện nay chúng tôi cũng trúng thầu một số dự án mới nhưng chưa được phép triển khai, các công việc đang chuẩn bị sẵn khi tình hình được nới lỏng", ông Hải cho biết.

Ưu tiên tiêm vaccine cho các tỉnh có nền kinh tế lớn

Mới đây, tại buổi làm việc với quận 7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh thành phố sẽ từng bước mở cửa để bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế và người dân, doanh nghiệp đang trông chờ việc này.

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, thành phố đang tính giao quận 7 và huyện Củ Chi làm thí điểm mở cửa lại trước khi nhân rộng.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Lê Viết Hải cho rằng việc mở cửa trở lại là cần thiết và cần có kế hoạch triển khai sớm, không thể chần chừ lâu hơn được nữa. Cả nền kinh tế và cuộc sống của người dân đã bị kiệt quệ và kiệt sức.

Nhiều doanh nghiệp mong muốn TP.HCM sớm mở cửa nền kinh tế. (Ảnh minh họa)

Để làm được điều này, theo ông Hải, quan trọng nhất là phải đạt được miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt trên cả nước chứ không phải ở riêng một tỉnh thành nào cả. Muốn đạt được thì cách duy nhất là đẩy nhanh thực hiện tiêm vaccine cho người dân các tỉnh.

"Chính phủ cần ưu tiên vaccine tiêm chủng cho các tỉnh thành lớn, có kinh tế trọng điểm, tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. cần xác định sống chung với dịch chứ không thể “ngăn sông cấm chợ” và phải sẵn sàng tiếp nhận người dân ở các nơi đến làm việc. Kinh tế có vững vàng thì chính trị xã hội sẽ ổn định, dịch bệnh sẽ được khống chế kiểm soát tốt", ông Hải cho biết.

Ông Hải cũng đề xuất, TP cần xác định đối tượng ưu tiên tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương, người có bệnh nền và người cao tuổi từ 50 tuổi trở lên để hạn chế thấp nhất áp lực lên hệ thống y tế cũng như đảm bảo giao tiếp xã hội an toàn ở tất cả các tỉnh thành khi quay lại cuộc sống bình thường mới.

Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nhấn mạnh, việc xác định sống chung với dịch đòi hỏi tính chủ động phòng ngừa và ý thức tự bảo vệ sức khỏe của người dân là cao nhất.

Do đó, Nhà nước cần tiếp tục truyền thông khuyến cáo 7K+3T (7K bao gồm: "Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế - Không khí trong lành - Khỏe mạnh" và 3T là: "Tự phát hiện - Tự cách ly - Tự chăm sóc") trong công tác phòng chống dịch cho người dân thực hiện nghiêm. Đồng thời áp dụng các biện pháp hạn chế lây lan theo phương cách, sách lược hiệu quả.

"Đó chính là cần thay đổi tư duy chống dịch vì mục tiêu chiến lược đã thay đổi nên cần đưa ra các sách lược phù hợp", ông Hải nói.

Ông Hải cho rằng, khi tình hình giãn cách xã hội được nới lỏng, trước hết TP cần ưu tiên những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và những người F0 đã khỏi bệnh, không có bất cứ rào cản nào khác, cho họ được làm việc bình thường. Đây là nhóm người đã có kháng thể trong người để giảm thiểu nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, nới lỏng dần mức độ ưu tiên theo khu vực vùng xanh an toàn, vùng cam rồi khu vực vùng đỏ khi đã được kiểm soát.

Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nhấn mạnh, việc mở cửa nền kinh tế TP.HCM không nên thực hiện đồng loạt và ồ ạt. "TP.HCM cần ưu tiên cho các nhóm ngành về sản xuất hàng thiết yếu, doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng xuất khẩu và các doanh nghiệp đã thực hiện tiêm chủng vaccine".

Ông Hải cũng kiến nghị, sau khi kiểm soát được dịch, bên cạnh sự tự thân vươn lên của mỗi doanh nghiệp, Nhà nước và thành phố cần có chính sách hỗ trợ kịp thời, đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp ở nhóm ngành quan trọng và tiềm năng giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh, chính là lực đẩy phục hồi nền kinh tế.

Mới đây, theo khảo sát của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), số DN tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 chiếm tỷ lệ khá cao.

Cụ thể, trong tổng số 21.517 DN tham gia khảo sát online, số DN tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch chiếm đến 69%; 16% DN cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và 15% DN giải thể/ngừng hoạt động kinh doanh chờ giải thể.

Số DN tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu tập trung ở TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Đây cũng là những tỉnh/thành phố có số ca mắc COVID-19 cao hiện nay và phải thực hiện việc giãn cách/cách ly kéo dài. Lý do khiến nhiều DN phải đóng cửa tạm thời nhiều nhất là do đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong nước, tỷ lệ này là chiếm tới 35,4%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ DN buộc phải đóng cửa do không đáp ứng được các yêu cầu về phòng chống dịch của địa phương cũng chiếm tới hơn 21%. Điều này góp phần làm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong nước trầm trọng hơn, vì các DN không thể tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện các đơn hàng cho các DN khác.

Khảo sát cho thấy tỷ lệ DN “Tạm ngừng hoạt động do dịch” chỉ còn dòng tiền giúp DN duy trì hoạt động “ít hơn 1 tháng” chiếm khá cao, gần 40% và gấp 2,5 lần tỷ lệ này (17,7%) ở các DN đang “Duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Hộ kinh doanh là đối tượng dễ tổn thương nhất, chiếm 45% có dòng tiền duy trì hoạt động ít hơn 1 tháng; tỷ lệ này ở DN tư nhân, công ty TNHH và công ty cổ phần là 39,5%; ở DN nhà nước là 30%; còn các DN có vốn đầu tư nước ngoài là khoảng 23,5%.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME