Chủ trương cải tạo chung cư cũ, nguy hiểm ở nội thành, vì sao giẫm chân tại chỗ?
Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 1000 chung cư cũ đang bị xuống cấp nghiêm trọng, cần phải sửa chữa, cải tạo hoặc xây mới.
Việc cải tạo chung cư cũ hiện đang như "húc đầu vào tường". Thực trạng này có nguyên nhân từ cơ chế chính sách, từ tình hình thị trường BĐS hiện nay, cũng có nguyên nhân từ ý thức của những "cư dân tập thể", nhiều người không chịu di dời chỉ vì những tham vọng hão huyền… Báo PL&XH xin được phản ánh phần nào thực trạng trên bằng loạt bài này.
Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 1000 chung cư cũ đang bị xuống cấp nghiêm trọng, cần phải sửa chữa, cải tạo hoặc xây mới. Trong đó, Hà Nội quản lí 982 nhà chung cư cũ; còn lại 173 căn thuộc quản lý của Cty TNHH một thành viên đầu tư phát triển nhà và đô thị- Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, nhiều năm qua đến nay tiến độ triển khai việc này vẫn gần như "giẫm chân tại chỗ".
Những "cụ" chung cư quá "đát"
PV báo PL&XH đã có một cuộc khảo sát về những "bất cập" mà cư dân ở các chung cư cũ Hà Nội đang ngày ngày đối mặt. Tại chung cư D1 Giảng Võ được xây dựng vào năm 1974, mỗi căn hộ có diện tích gốc từ 24- 25m2, căn hộ nào có 3 phòng thì diện tích lên đến 50m2. Chung cư này trước đây được xây dựng cho cán bộ văn phòng TW Đảng.
Theo một người dân sống tại chung cư D1 Giảng Võ cho biết: "Hiện cuộc sống của bà con rất vất vả, luôn phải lo lắng, do hiện tượng nhiều vị trí căn nhà bị nứt, tường bị bong tróc, mưa xuống nước thấm vào tường, rơi lã chã xuống nhà, khiến đồ vật bị mốc, hư hỏng, để đảm bảo cuộc sống, nhiều gia đình đã tự ý sửa chữa, cải tạo và nới thêm phần khoảng không".
Cũng theo những cư dân nơi đây, vài năm trước, có doanh nghiệp đã đến khảo sát, xem xét lại các căn hộ để phá dỡ xây mới, nhưng không hiểu vì lí do gì mà từ đó đến nay không thấy động tĩnh nữa. Tại đây mới chỉ có chung cư C7, từng được xếp vào hạng D, tức là độ nguy hiểm cao nhất, đã được phá dỡ và xây mới. Còn chung cư C4 và C5 Giảng Võ cũng trong tình cảnh tương tự, nhưng chưa bị "động" tới. Hai chung cư này được xây dựng vào năm 1979, hiện cũng đang bị xuống cấp, các hộ dân phải thường xuyên sửa chữa, khắc phục nhưng cũng chỉ mang tính tạm thời.
Ông Phạm Đạt, Tổ trưởng tổ dân phố 32 chung cư C4, cho biết: "Do chung cư này bị xuống cấp nên cũng được xếp vào danh sách cần phải xây mới. Vì vậy, những năm trước đây, Cty QL&PT nhà Hà Nội và Cty Xây dựng nhà số 5 đã xuống nghiên cứu và có kế hoạch xây dựng 21 tầng, cùng với dãy nhà D2. Tuy nhiên, UBND quận Ba Đình chưa nhất trí với phương án của doanh nghiệp (DN). Hơn nữa, cư dân chỉ được ở từ tầng 1 đến tầng 8, còn lại của DN, điều này không bảo đảm công bằng lợi ích của ba bên là Nhà nước- nhân dân và DN". Ông Đạt cũng cho biết: Hiện nay chủ trương của Bộ Xây dựng đề xuất với Chính phủ là cư dân nào muốn có diện tích ở rộng hơn thì di dời sang khu chung cư khác, xa trung tâm hơn, còn muốn ở lại phải chấp nhận diện tích như cũ, khiến cư dân băn khoăn. Với quy định hiện hành của Chính phủ, nếu xây mới trên đất chung cư cũ thì diện tích tối thiểu mỗi căn hộ cũng từ 30m2 trở lên; như vậy, những căn hộ có diện tích nhỏ hơn 30m2 nếu bị phá thì diện tích xây mới lẽ nào cũng nhỏ hơn 30m2…?
Khảo sát, tìm hiểu thêm tại chung cư A1, A2 Giảng Võ, ghi nhận đầu tiên tại hai chung cư này là hiện tượng ẩm thấp, rêu xanh phủ đầy, các ống nước đang bị gỉ sét mạnh, dây điện thì mạng nhện bám đầy, nhiều chỗ còn lộ cả các lõi đồng bên trong, vữa tường bị bong tróc nứt nẻ từng mảng lớn, rơi vãi lung tung, khu vệ sinh thì đa phần các hộ phải dùng chung, rất hôi hám và bẩn thỉu, nước bị tù đọng, làm nơi bám trụ lý tưởng cho các loài ký sinh trùng gây bệnh, khiến nhiều cư dân sinh hoạt mà… toát mồ hôi. Thực trạng này đã buộc một số hộ phải tự cơi nới để làm khu vệ sinh trong căn hộ. Còn chung cư H3, H4, H5 Nguyễn Công Trứ cũng rất thảm hại, tất cả các thiết bị, chất lượng công trình đang bị xuống cấp trầm trọng, tối tăm, ẩm thấp; bên cạnh đó sự mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng, do các chất thải, nước thải trong các căn hộ đổ ra, và từ các quán ăn, khu chợ…
Cạnh đó, khu chung cư A1, A2 Nguyễn Công Trứ, được xếp vào hạng nguy hiểm cấp D, tức là nguy cơ bị đổ sập có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy vậy, hiện vẫn còn đến 1/3 hộ bám trụ trong khu chung cư này chưa chịu bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, do chưa đồng thuận với phương án bồi thường GPMB của TP, mặc dù dự án phá dỡ, cải tạo xây dựng các nhà chung cư cũ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Khi PV hỏi vì sao chưa chịu đi, họ có biết làm như vậy là đang coi thường tính mạng của chính mình không? Thì không ít cư dân nơi đây trả lời rằng họ bám lại vì hy vọng đòi được chế độ chính sách hỗ trợ, bồi thường cao hơn nữa… theo giá thị trường (!?). Đáng buồn là không ít người cứ khăng khăng cho rằng: càng chây ỳ thì chủ đầu tư sẽ càng sốt ruột và họ sẽ càng được lợi, do vậy nhất quyết không chịu di chuyển, bàn giao mặt bằng.
Trong khi đó, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho phép chủ đầu tư áp dụng những phương án GPMB, hỗ trợ tái định cư ngoài cơ chế, chính sách theo quy định của UBND TP như: Hộ đông người được tạm cư diện tích lớn hoặc nhiều căn hộ nhỏ; hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ hoàn cảnh khó khăn phải đi thuê nhà nơi khác, không cư trú thường xuyên tại địa chỉ khai báo… Dù những chính sách của UBND TP đã tích cực và rõ ràng như vậy, nhưng một số cư dân với ảo tưởng như trên, vẫn chưa đồng thuận, làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai thực hiện dự án. Đáng buồn, đây là thực tế đang diễn ra không chỉ riêng tại khu chung cư đã xuống cấp tới mức "báo động đỏ" này. Được biết, để bảo đảm tính mạng cho cư dân cũng như các hộ liền kề, UBND quận Hai Bà Trưng đã lên kế hoạch về cưỡng chế, phá dỡ khu chung cư nói trên. Việc này cũng nhằm lập lại kỷ cương của Nhà nước cũng như tránh tiền lệ, dẫn đến tình trạng các cư dân của một số chung cư khác bắt chước sự chây ỳ, bất chấp sự an toàn của bản thân, cũng như lợi ích chung của cộng đồng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet