Đà Nẵng tập trung phát triển các khu công nghiệp
Là một trong những địa phương phát triển mô hình khu công nghiệp (KCN) sớm nhất của cả nước, TP. Đà Nẵng hiện có 6 KCN tập trung.
Dây chuyền lắp ráp ô tô của Công ty TCIE tại KCN Hòa Khánh mở rộng
Sáu KCN của Đà Nẵng gồm: Hòa Khánh, Đà Nẵng, Liên Chiểu, Hòa Khánh mở rộng, Hòa Cầm và KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng với quy mô diện tích 1.055,13 ha (trong đó, 748,95 ha là diện tích đất công nghiệp cho thuê). Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê và đưa vào sử dụng là 650,98 ha, với tỷ lệ lấp đầy chiếm 86,92%.
Các KCN của Đà Nẵng đều nằm gần các trục giao thông nội thị của Thành phố nối kết với các trục giao thông chính của vùng và quốc gia cả về đường thủy, đường bộ và đường sắt; cách cảng nước sâu Tiên Sa gần nhất 3 km và xa nhất 20 km, cách Sân bay quốc tế Đà Nẵng gần nhất 3 km và xa nhất 12 km; góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại và vận chuyển hàng hóa từ các KCN đến cảng, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước và ngược lại.
Ông Phạm Nhật Phi, Trưởng Ban Quản lý các KCN và Chế xuất Đà Nẵng cho biết, những năm qua, cùng với việc hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư vào các KCN của Nhà nước, công tác cải cách thủ tục hành chính công của Ban Quản lý ngày càng hoàn thiện và hiệu quả theo hướng công khai, minh bạch, rõ ràng, thuận tiện theo cơ chế “một cửa, một đầu mối quản lý”, góp phần hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư.
Ban Quản lý các KCN và Chế xuất Đà Nẵng vừa cho công khai thông tin quỹ đất trong các KCN (trên website: www.iza.danang.gov.vn) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước có nhu cầu đầu tư sản xuất - kinh doanh đang muốn tìm đến đầu tư trong các KCN. Tổng diện tích đất còn lại có thể cho thuê là 97,97 ha, trong đó diện tích đất đã có hạ tầng là 68,75 ha.
Ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đánh giá, những năm qua, hoạt động của các KCN trên địa bàn Thành phố đã góp phần thúc đẩy công nghiệp phát triển, tăng trưởng kinh tế, hình thành các trung tâm công nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương...
Mặc dù có nhiều lợi thế, tỷ lệ lấp đầy khá cao, nhưng các KCN Đà Nẵng cũng gặp phải một số khó khăn cần tháo gỡ.
Hiện Ban Quản lý tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng KCN đề xuất UBND Thành phố giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc thu tiền thuê lại đất, tiền sử dụng hạ tầng nhằm bảo đảm môi trường đầu tư lành mạnh của Thành phố, góp phần thu hút đầu tư... Ban Quản lý cũng đề xuất chính quyền Thành phố cho phép vận dụng mức thu tiền chậm nộp 0,05%/ngày trên số tiền nợ đối với các DN chậm nộp tiền sử dụng đất, đồng thời, phân loại tình hình DN khó khăn, sản xuất cầm chừng, tạm dừng sản xuất; các DN đang thực hiện tái cơ cấu, thi hành án, đang tranh chấp và các DN đã thực hiện thanh toán nợ tiền thuê lại đất, tiền sử dụng hạ tầng quá hạn (gốc), nhưng chưa thanh toán tiền chậm nộp để có giải pháp tháo gỡ.
Theo kế hoạch, năm 2015, Ban Quản lý sẽ tập trung phối hợp giải quyết những vướng mắc, tồn đọng của các DN tạm ngừng sản xuất, có tranh chấp trong liên doanh (dự án của Công ty ITG - Phong Phú, Công ty Vinashin, Công ty
Sadavi). Đồng thời, triển khai kế hoạch kiểm tra, phối hợp thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, lao động của các DN KCN; chấn chỉnh việc cho thuê nhà xưởng, ban hành quy định về phương thức chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng tài sản trên đất thuê lại.
UBND TP. Đà Nẵng cũng yêu cầu trong năm 2015, Ban Quản lý cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút và lựa chọn các dự án có chất lượng đầu tư vào KCN còn quỹ đất cho thuê; rà soát thu hồi đất với các dự án đã được cấp phép, nhưng chưa triển khai để bố trí cho nhà đầu tư khác có nhu cầu.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet