Đề xuất 'sốc', nhà nước bù lãi suất mua nhà cho dân
Chiều 11/12, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã gửi bản đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ về 5 giải pháp phá băng thị trường bất động sản.
Cho người thu nhập thấp mua nhà vay 7%/năm
Đây là giải pháp đầu tiên được VAFI kiến nghị. Cụ thể, người mua nhà trị giá dưới 2 tỷ đồng/ căn thì được vay với lãi suất ưu đãi là 7%/năm cho 3 năm đầu, Nhà nước sẽ cấp bù lãi suất khoảng từ 5%/năm - 3%/năm.
Tổng vốn Nhà nước cấp bù lãi suất sẽ vào khoảng 8.000 tỷ trong 3 năm ( 2013, 2014, 2015 ). Với số tiền này, VAFI cho rằng sẽ thu hút số vốn đầu tư khoảng 120.000 tỷ đồng tương ứng với khoảng 120.000 căn hộ chung cư.
Về triển khai, theo VAFI, cơ chế cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại tham gia vào chương trình kích cầu sẽ tương tự như cơ chế kích cầu đầu tư năm 2008.
Thị trường chung cư vẫn ế ẩm dù giá giảm mạnh (ảnh minh họa; P.H) |
Hiệp hội lập luận rằng, Nhà nước sẽ không phải thực chi 8.000 tỷ đồng này. Nguồn vốn cấp bù lãi suất chỉ là nguồn vốn mới tạm ứng ban đầu. Khi chương trình kích cầu được thực hiện thì sẽ giải phóng hàng tồn kho bất động sản, vật liệu xây dựng, dịch vụ tài chính, Nhà nước sẽ thu được nhiều khoản thuế gia tăng và dĩ nhiên, những khoản thuế gia tăng sẽ lớn hơn nhiều so với số vốn mới ban đầu bỏ ra trước.
SCIC mua 15.000 căn hộ
Giải pháp thứ hai là xây dựng Qũy nhà tái định cư giá rẻ và chất lượng cho giai đoạn 2013 -2020. Lý do cho đề xuất này là bởi, giá bất động sản đã giảm khá mạnh từ 30% - 60%. Đó là cơ hội tuyệt với để chính quyền địa phương, nhất là các đô thị lớn xây dựng quỹ này.
Theo phân tích của VAFI, các địa phương lớn cần có kế hoạch mua tổng cộng khoảng 25.000 căn hộ tương ứng với số tiền khoảng 25.000 tỷ đồng.
Để thực hiện được, VAFI cho rằng, các địa phương có thể đảm nhiệm mua đầu tư 10.000 căn hộ. Điều này phụ thuộc vào việc các địa phương lớn cần chịu khó, năng động sáng tạo, khai thác thêm nhiều nguồn bổ sung tài chính.
15.000 căn hộ còn lại có thể được mua dễ dàng bởi nguồn vốn sẵn có, ngay lập tức từ SCIC và Quỹ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp ( hiện do SCIC quản lý). Theo VAFI, đây là khoản đầu tư tốt, đồng thời góp phần giải quyết đầu ra cho thị trường bất động sản và cho các ngành vật liệu xây dựng.
Để bù đắp nguồn vốn cho Quỹ sắp xếp doanh nghiệp, VAFI kiến nghị Chính phủ nên chỉ đạo các Bộ ngành và SCIC bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và đã có sẵn các đối tác chiến lược sẵn sàng bỏ tiền mua ngay . Chẳng hạn như việc bán bớt cổ phần nhà nước tại SABECO cho đối tác chiến lược nước ngoài thì cũng đủ nguồn vốn để mua 15.000 căn hộ ( giá trung bình 1 tỷ đồng/ căn hộ).
Hạ lãi suất ngoại tệ về 1%
Giải pháp thứ ba là Ngân hàng Nhà nước nên hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống mức 1%/năm, sau đó là 0%/năm.
Trong 2 năm qua, chủ trương khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ đã thành công ngoài mong đợi, từ mức khống chế 3%/năm , rút xuống 2%/năm như hiên nay. Chủ trương này đã góp phần trong việc ổn định tỷ giá, gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia và đã hỗ trợ cho việc giảm lãi suất huy động VNĐ. Theo VAFI, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục thành công trên bằng hạ lãi suất ngoại tệ, từ đó, nâng cao giá trị đồng nội tệ.
Giải pháp thứ tư là áp thuế giá trị gia tăng cho hoạt động mua vàng miếng và vàng trang sức ở mức 10% trên giá trị mua.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người dân sở hữu vàng trước đó, VAFI kiến nghị không thu thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt cho hoạt động bán vàng miếng, vàng trang sức.
Ngân hàng Nhà nước cam kết mua vàng miếng, vàng trang sức của dân thông qua hệ thống đại lý được cấp phép) tại bất kỳ thời điểm nào với giá mua theo giá quốc tế, có chiết khấu chi phí đại lý.
Nếu áp dụng giải pháp thứ ba và thứ tư này, Hiệp hội này cho rằng, khi đó, NHNN dễ dàng hạ được lãi suất cho vay xuống dưới mức 10%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ còn khoảng 8%/năm, tức là lãi suất huy động VNĐ sẽ ở mức 5%/năm vào thời điểm trước 30/6/2013.
Ngoài ra, giải pháp thứ năm và là giải pháp cuối cùng là thuộc về cung cách làm việc của các bộ. Theo VAFI, cần hình thành các Đội "cứu hỏa" từ Trung ương đến địa phương để nhanh chóng cứu thị trường bất động sản . Với các địa phương, nhất là các đô thị lớn như Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh...cần nắm chắc tình hình từng dự án bất động sản, xác định tổng thể các dự án cần ưu tiên giải quyết ngay về các nhu cầu như chuyển đổi công năng, thay đổi thiết kế, thay đổi diện tích căn hộ, cấp sổ đỏ...
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet