Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô: Kế thừa, đổi mới để phát triển bền vững
Sau hòa bình lập lại 1954, Hà Nội bước vào thời kỳ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và đã tổ chức nghiên cứu quy hoạch Thủ đô. Dù với bộn bề công việc hệ trọng của cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng đến công tác quy hoạch Hà Nội. Ngày 16/11/1959, khi xem xét, chỉ đạo về quy hoạch xây dựng Thủ đô, Người đã căn dặn: 'Phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi'.
Một góc phía Hà Nội nhìn từ phía Tây. Ảnh: Phạm Hùng
Đột phá trong định hướng phát triển Thủ đô
Thấm nhuần lời dạy của Người, lãnh đạo TP, Nhân dân và những người làm công tác quy hoạch đã tập trung trí tuệ, nguồn lực, huy động sự tham gia của cả nước và bạn bè quốc tế trong nghiên cứu quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân trong mỗi thời kỳ phát triển để Hà Nội xứng tầm là Thủ đô của cả nước.
Quá trình phát triển Thăng Long - Hà Nội đã có không ít lần điều chỉnh địa giới, song lần điều chỉnh địa giới năm 2008 đã tạo đột phá lớn. Hà Nội là đô thị có diện tích lớn nhất cả nước và nằm trong nhóm 12 Thủ đô trên thế giới có lịch sử phát triển nghìn năm với quỹ di sản văn hóa đặc trưng giao thoa giữa các nền văn hóa có hệ sinh thái đa dạng… Đây cũng là cơ hội để Hà Nội phát huy vai trò là trung tâm của vùng, hội nhập kinh tế toàn cầu để phát triển, có quỹ tài nguyên đất đai dồi dào thu hút đầu tư. Bên cạnh những ưu việt, Thủ đô cũng đứng trước các thách thức như bảo tồn và phát huy quỹ di sản để phát triển kinh tế, phát triển đô thị, giải quyết hiệu quả mục tiêu bảo vệ môi trường, mặt nước, nhất là với khu vực nông nghiệp; thách thức về cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu lực quản lý đô thị...
Trong bối cảnh như vậy, việc nghiên cứu lập quy hoạch đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo, tập hợp được trí tuệ từ trong nước, bạn bè nước ngoài và nhất là sự tham gia tư vấn của Nhân dân, của các tổ chức xã hội chính trị, nghề nghiệp. Trong đó có không ít vấn đề được nghiên cứu thận trọng, trao đổi sôi nổi như: Cấu trúc, mô hình phát triển không gian đô thị để vừa kế thừa truyền thống, phát huy lợi thế mở rộng và hướng tới phát triển hiện đại, bền vững để có tính năng động, cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới.
Dự báo quy mô dân số và phân bố hợp lý cho Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050 trong bối cảnh có nhiều biến động trong xu thế sinh, xu thế già hóa và di cư cơ học để có chương trình kiểm soát dân số. Các giải pháp để phát triển, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội vốn đang quá tải. Giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mô hình tối ưu cho đô thị hóa cho cân đối hài hòa giữa đô thị và nông thôn mới. Giải pháp để hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn di sản khi Hà Nội sau mở rộng di sản càng đa dạng, phong phú từ di tích cảnh quan thiên nhiên, sông hồ, làng truyền thống…
Qua gần 3 năm nghiên cứu, đề xuất, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030 tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Đây là sự kiện lớn, đột phá trong định hướng phát triển Thủ đô nhằm xây dựng Thủ đô trở thành thành phố "Xanh - Văn hiến - Văn minh hiện đại". Cùng với quy hoạch chung là xác định chương trình để xây dựng gần 150 quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, khu đặc thù và quy chế quản lý, chương trình xây dựng nông thôn mới…
Như trong buổi công bố quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã xác định: Quy hoạch chung đã phê duyệt là sự kiện lớn nhưng quản lý quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch còn quan trọng hơn. Đến nay, qua 10 năm thực hiện đã có được những kết quả nhất định, góp phần để TP đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện. Có nhiều dấu ấn nổi bật được ghi nhận trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII. Song bên cạnh đó cũng đã bộc lộ một số tồn tại cần rà soát, đánh giá quy hoạch chung đã phê duyệt để kế thừa, để điều chỉnh hoặc đổi mới giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn.
Chỉ tiêu dân số là yêu cầu hàng đầu
Từ quy hoạch chung năm 2011, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chung đô thị vệ tinh, thị trấn, quy hoạch chuyên ngành, quy chế quản lý... đã được cụ thể hóa. Đây là khối lượng công việc lớn, phức tạp song đã đạt được những kết quả đáng kể. Nhất là quy hoạch xã nông thôn mới được hoàn thành đã tạo điều kiện Hà Nội dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên, nhìn lại vẫn còn những tồn tại cần căn chỉnh.
Theo quy hoạch chung đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa phải đạt 58 - 60%, dự báo dân số 7,3 - 7,9 triệu người. Qua số liệu điều tra dân số năm 2019 thì tổng dân số đã là 8,05 triệu người, trong khi tỷ lệ đô thị hóa mới đạt gần 50%. Từ thực trạng này, cần tìm nguyên nhân từ bối cảnh vừa qua. Đó là sự chưa đồng bộ trong cơ chế chính sách quản lý dân cư tăng cơ học, sự phát tiển vùng vừa qua chưa đạt các mục tiêu như quy hoạch vùng đã duyệt và có cả nguyên nhân TP chưa quyết liệt trong xây dựng đặc thù về quản lý dân cư theo quy định đã xác định trong Luật Thủ đô…
Về cấu trúc, mô hình phát triển không gian, cần khẳng định mô hình chùm đô thị đã xác định là tối ưu để thực hiện chức năng, vị thế của Thủ đô. Đây là quyết tâm thể hiện trong văn kiện trong văn kiện Đại hội Đảng bộ giai đoạn 2021 - 2025, song cần đạt kết quả cao hơn, giải pháp quyết liệt hơn, tập trung nguồn lực hơn để giai đoạn 2025 - 2030 đạt định hướng như quy hoạch chung đã xác định.
Một số quy hoạch các khu chức năng cần xem xét, trước hết là mục tiêu phát triển nông thôn, cần làm rõ mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Thủ đô trong quy hoạch chung để bảo đảm là nông thôn, nông nghiệp đô thị về không gian xanh và mặt nước. Ngoài việc định hướng xây dựng hệ thống công viên sau di dời trụ sở bộ ngành, cơ sở công nghiệp cần bổ sung từ không gian hai bên sông nhất là sông Hồng. Để bảo vệ mặt nước nhất là hệ thống sông, đang là vấn đề được trao đổi, nghiên cứu cần xác định bổ sung các dự án ưu tiên đến 2030.
Về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, trong quy hoạch chung đã xác định khung phát triển. Riêng quy hoạch giao thông đã được cụ thể hóa trong quyết định 519/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cần rà soát kỹ để có điều chỉnh thích hợp về các chỉ tiêu nhất là vận tải hành khách công cộng, tỷ lệ đất dành cho giao thông và giao thông đối ngoại. Đây là vấn đề còn tùy thuộc vào một số chuyên ngành quốc gia đang được nghiên cứu.
Việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là cần thiết và đã có cơ sở pháp lý. Song đây là vấn đề phức tạp, đồng thời với nghiên cứu quy hoạch Thủ đô theo hướng tích hợp và trong bối cảnh đang nghiên cứu các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành nên rất cần có lộ trình, mục tiêu phù hợp. Trước hết tập trung vào khung quản lý và tiếp tục cụ thể ở giai đoạn sau.
Để xác định điều chỉnh quy mô dân số cần cân nhắc đến mục tiêu xây dựng Thủ đô, áp lực lớn khi Hà Nội là siêu đô thị. Với những nghiên cứu có chất lượng khi lập quy hoạch, bài học từ các TP lớn như TP Hồ Chí Minh và từ nước ngoài như Tokyo (Nhật Bản), Thượng Hải (Trung Quốc), Paris (Pháp)… Phải chăng nên đặt giữ mức độ dân số để phát triển bền vững là yêu cầu hàng đầu và từ đó đề xuất giải pháp quản lý đặc thù cho Hà Nội. Về tỷ lệ đô thị hóa, trong quy hoạch chung đã xác định đến 2030 là 65 - 68%. Với chủ trương, xây dựng 5 huyện thành quận, TP đang triển khai giai đoạn 2021 - 2025 và chỉ tiêu xác định theo Nghị quyết Đại hội Đảng TP lần thứ XVII là 60 - 62% (đến 2025) hoàn toàn tin tưởng sẽ đạt chỉ tiêu như quy hoạch chung đã đề ra.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet