Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến. Tại Điều 8 của dự thảo, đề xuất cấm dùng nhà ở để kinh doanh các dịch vụ nhạy cảm như: Nhà nghỉ, quán bar, vũ trường, quán karaoke, vật liệu dễ gây cháy, nổ, gas...

Đây là điểm được nhiều người chú ý nhất của Dự thảo Luật Nhà ở lần này. Ý kiến nhà làm luật và người dân cho rằng, quy định mới của dự luật nếu được thông qua sẽ khó khả thi, do ở nước ta nhà ở không chỉ để ở mà còn sử dụng nhiều mục đích khác, nhất là những nhà mặt đường.

Chủ nhà nghỉ “nhảy ngược”!

Phản ứng về việc cấm dùng nhà ở để kinh doanh nhà nghỉ, nhiều chủ nhà nghỉ cho rằng, làm như vậy là “treo” nồi cơm của họ.

Bà Phương, chủ nhà nghỉ khu vực quận Hoàng Mai cho biết, từ ngày làm ăn thua lỗ phải bán căn nhà trên phố, gia đình bà về mua chung cư này để ở. 4 người trong gia đình trước kia chỉ dựa vào buôn bán mặt đường, giờ về đây không biết làm gì để sống.

“Chẳng còn cách nào khác phải tính quay ra mở nhà nghỉ. Biết là không “hay ho” gì cho lắm, nhưng đường cùng rồi, còn mấy chục triệu tiền bán nhà thừa, mua sắm thiết bị đơn giản làm nhà nghỉ cho thuê. Nay cấm kinh doanh, nhà trong ngõ thì cũng chẳng biết làm gì. “Ở đây cả dãy này cũng hoàn cảnh tương tự như nhà tôi” - bà Phương, than.

Còn theo anh Hoàng, chủ nhà nghỉ ở khu vực quận Đống Đa, bản thân nhà trong ngõ của gia đình quá nhỏ, chẳng thể kinh doanh được gì ngoài… nhà nghỉ. Nếu theo đề xuất trong Dự thảo Luật Nhà ở, ngay cả những nhà ngoài mặt đường cũng chỉ để… ngắm.

Gia đình ông Khiết, ở đường Nguyễn Chí Thanh, có căn nhà 42m2 cho thuê làm nhà nghỉ. Nhà có hai vợ chồng già, con cái không có, lại về hưu diện 41 nên chẳng có lương hưu. Trước kia ông bà cũng kiên quyết không cho kinh doanh nhà nghỉ. “Nhưng cả hai Cty thuê trước đó đều phá sản và chạy tiền nhà nên mới cho người ta thuê làm nhà nghỉ hơn một năm nay. Giờ cấm, không lẽ vợ chồng già ngồi xin trợ cấp xã hội?” - ông Khiết băn khoăn.

“Tôi nghĩ là nhà thuộc sở hữu, được pháp luật công nhận. Họ kinh doanh gì hoặc họ cho thuê là quyền, trừ khi vi phạm pháp luật. Đâu phải chỗ nào họ cũng thuê để làm nhà nghỉ, karaoke hay kinh doanh gas được đâu” - ông Long, ở phố Chùa Láng, nói.

“Nếu có cấm thì chỉ nên cấm kinh doanh làm nhà nghỉ, karaoke, vũ trường, bar, kinh doanh gas… ở các khu chung cư. Bởi các khu này đa số đều được xây dựng để ở, có bố trí các tầng dưới làm dịch vụ. Hơn nữa, môi trường sống không cho phép ồn ào, xáo trộn” - anh Nguyễn Tấn Khanh, ở phố Tôn Đức Thắng bày tỏ.

Nếu áp dụng quy định này, người KD NN là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên

Bất khả thi!

Luật sư Lâm Văn Quang, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Luật Nhà ở 2005 không có điều khoản nào quy định nhà ở chỉ được dùng để ở. Luật này cũng chỉ nghiêm cấm việc sử dụng nhà ở vào các hoạt động bị pháp luật cấm, nên không thể chứng minh việc kinh doanh, sản xuất và cho thuê nhà nằm trong danh mục bị pháp luật ngăn cấm.

Theo ông Quang, những nơi nào, mặt hàng kinh doanh nào được phép đặt tại đâu… đã có luật và nhiều văn bản dưới luật khác chế ngự về kinh doanh có điều kiện, nên nếu ban hành không khéo sẽ dẫn đến chồng chéo, rắc rối không cần thiết.

Ông Quang cũng cho rằng việc này là thiếu tính khả thi. Ai sẽ là người đi xử lý và xác định thế nào là nhà ở và nhà kinh doanh? Muốn làm được điều này, trừ khi chúng ta xây dựng được các khu vực vui chơi giải trí, kinh doanh có điều kiện ở một nơi riêng biệt, nơi này là khu karaoke, nhà nghỉ, nơi này làm bar, vũ trường. “Khó thực thi lắm! Trừ khi Bộ Xây dựng muốn đi lo thay việc ANTT, cháy nổ của ngành CA? Nên quy định này là bất khả thi” - ông Quang, nói.

Trước đó, vào tháng 5-2012, Bộ Xây dựng có văn bản hướng dẫn cho Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận về việc xử phạt đối với những trường hợp sử dụng nhà ở vào mục đích kinh doanh, mức xử phạt từ khoảng 20-30 triệu đồng. Hướng dẫn này đã khiến dư luận xôn xao, hàng triệu người vừa sử dụng nhà để ở vừa kinh doanh trên khắp cả nước rơi vào tình trạng bất an.

Song, nhiều chuyên gia khi đó đã chỉ rõ “hướng dẫn này chưa phù hợp”. Văn bản dưới luật không thể “ngồi” trên luật. Sau thời gian im ắng, đến nay Bộ Xây dựng vẫn quyết đưa nội dung này vào Dự thảo.

Khi đó, hướng dẫn của Bộ Xây dựng dựa trên khoản 4, Điều 52 Nghị định 23/2009 quy định: “phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng nhà ở trái mục đích quy định”. Tuy nhiên, từ góc độ luật pháp, cần lưu ý, Luật Nhà ở năm 2005 không có điều khoản nào quy định nhà ở chỉ được dùng để ở. Luật này chỉ nghiêm cấm việc sử dụng nhà ở vào các hoạt động bị pháp luật cấm mà thôi.

“Chắc chắn không thể chứng minh việc kinh doanh, sản xuất và cho thuê nhà nằm trong danh mục bị pháp luật ngăn cấm nên cũng không thể nói người dân đã vi phạm pháp luật. Quy định của Nghị định 23/2009 không thể đặt cao hơn Luật Nhà ở” - luật sư Quang, nói và cảnh báo: “Nếu quy định này được áp dụng chỉ gây xáo trộn đối với xã hội: Hợp đồng cho thuê có công chứng bị tuyên vô hiệu, nhiều DN phải đóng cửa…”.

Bàn về điều này, KTS Trần Đức Tuân, Hiệp hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định, tại nhiều đô thị lớn ở Việt Nam, việc người dân ban đầu xin GPXD nhà ở nhưng sau đó dùng nhà ở làm nơi kinh doanh, buôn bán… là phổ biến, nhất là những khu mặt tiền hoặc khu đất có vị trí thuận lợi.

Theo KTS này, từ trước đến nay, cũng chưa có tiền lệ các cơ quan chức năng xử phạt trường hợp nào sử dụng nhà ở sai mục đích như vậy. Bởi lẽ, các tổ chức, cá nhân khi dùng nhà ở vào mục đích kinh doanh đều xin phép các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. “Chỉ cần cơ sở đó đáp ứng được một số yêu cầu đưa ra kèm theo hồ sơ thì có thể được duyệt rồi” - ông Tuân nêu dẫn chứng.

Vẫn theo ông Tuân, nếu quy định của Bộ Xây dựng được ban hành đúng luật, không chồng chéo với các quy định pháp luật khác thì nó cũng sẽ khó áp dụng được trong thực tế. Bởi theo quy định, muốn chuyển đổi nhà ở thành đất kinh doanh thì phải chuyển đổi và phải xin phép xây dựng để cải tạo và hoàn tất thủ tục cấp GCN sở hữu công trình.

Trong khi đó, hiện tại, Bộ Xây dựng mới chỉ ban hành một số tiêu chuẩn đối với số ít loại công trình như: Rạp chiếu phim, trường học, BV… Với các công trình khác hiện nay vẫn chưa có quy định nào. “Do vậy, cả người dân lẫn chính quyền không biết căn cứ vào đâu để phân biệt giữa nhà ở và các công trình làm nơi kinh doanh” - KTS Tuân nêu dẫn chứng.

Theo KTS này, khi hoạt động, đối với các công trình sử dụng kinh doanh, tùy theo ngành nghề, chủ kinh doanh còn phải thực hiện các quy định pháp luật khác như: PCCC, vệ sinh ATTP, điều kiện ANTT… Nếu bản chất về kỹ thuật công trình xây dựng sử dụng vào kinh doanh chưa được quy định thì việc cấm nhà ở làm nơi kinh doanh chỉ tạo thêm những thủ tục hành chính không cần thiết cho người dân, hiệu quả quản lý Nhà nước chắc chắn không đạt được.

Các hoạt động KD cũng gần như bị xóa sổ bởi quy mô cấm của dự thảo đề cập là quá rộng. Ảnh: TL

Gây khó cho dân!

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến chuyên gia và dư luận cũng cho rằng, Dự thảo Luật mới đã đề ra nhiều quy định nhằm siết chặt việc sử dụng và quản lý các công trình nhà ở. Nhưng, trong đó vẫn còn khá nhiều các chi tiết bất cập. Và nếu như điều khoản cấm sử dụng nhà ở cho mục đích kinh doanh này có hiệu lực thì sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế đang chao đảo hiện nay.

Thị trường bất động sản đang đóng băng, trong khi môi trường kinh doanh của các đô thị lớn lại rất ít và đắt đỏ nên quy định này sẽ khiến nhiều căn nhà bị bỏ hoang hơn nữa vì không thể tận dụng cho mục đích kinh doanh. Người dân sẽ càng thêm phần khó khăn và có thể rơi vào cảnh nợ nần khi bị cắt mất nguồn thu đáng kể từ dịch vụ cho thuê nhà cũng như kinh doanh các dịch vụ.

Kế đến, khi không có cơ sở kinh doanh ổn định, phố phường sẽ xuất hiện nhiều hơn các hàng rong, hè phố sẽ bị lấn chiếm và tất nhiên an ninh xã hội cũng bị xáo trộn không nhỏ. Bởi thực tế hiện nay cho thấy, do thiếu chỗ kinh doanh mà mọi khoảng trống đều được người dân tận dụng để mưu sinh. Đừng làm khó người dân bằng những quy định “trên trời”.

Vấn đề “ngồi trên trời mà làm chính sách”, ra văn bản luật thiếu khả thi đã khiến người dân bức xúc mà nhiều ĐBQH thời gian qua nêu khá gay gắt. Thậm chí còn đặt ra vấn đề xử lý nặng những tổ chức, cá nhân ra văn bản thiếu khả thi, gây thiệt hại về đời sống vật chất tinh thần, xáo trộn đời sống của người dân.

Ở Singapore, Chính phủ đưa ra một danh mục các hoạt động kinh doanh có thể gây ra phiền phức cho hàng xóm mà nhà ở sẽ không được sử dụng, như: Dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, massage, nhà hàng, trường học, trung tâm giới thiệu việc làm... Nước này cũng cấm chủ cơ sở SXKD ở khu nhà ở thực hiện các hành vi như bốc dỡ hàng hóa lên xuống các xe tải, hoạt động kinh doanh ở nhà ở không được làm cản trở giao thông, gây ra tiếng ồn, khói, mùi,... ảnh hưởng đến khu vực xung quanh; hay chỉ những hoạt động kinh doanh quy mô nhỏ mới được sử dụng khu nhà ở để làm trụ sở. Chính phủ Úc quy định cụ thể hoạt động SXKD tại nhà ở không được sử dụng điện, gas và nước quá mức thông thường mà khu vực dân cư đó tiêu thụ, hay không được sử dụng số lượng nhân công lớn hơn 1 người/30m2 diện tích nhà ở...”

------

“Việc cho thuê nhà ở để SXKD đã diễn ra hết sức tự nhiên trong đời sống xã hội nên để xác định được những ai không sử dụng nhà ở vào mục đích để ở là điều khó. Ai và cơ quan nào sẽ đi kiểm tra và xác nhận hiện trạng sử dụng của ngôi nhà, căn hộ là để ở hay đã cho thuê để xử phạt? Ai đứng ra xử phạt và quản lý tiền xử phạt ấy?...” - LS Nguyễn Quang Hùng

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME