Hôm qua (7-11), QH thảo luận tại hội trường về tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến các quyết định hành chính về đất đai. Qua thảo luận của các ĐBQH có thể thấy bất cập còn nhiều mà nguyên nhân là do sự thay đổi thường xuyên trong chính sách và khung giá đất đền bù chưa hợp lý.
Việc đầu cơ đất đô thị khiến giá đất ở các thành phố lớn khác xa với giá trị thực
Ảnh: Hoàng Long
Cần một hệ thống định giá độc lập
Trên thực tế, tinh thần định giá đất phù hợp với thị trường đã được quy định trong Luật Đất đai hiện hành và kể cả dự luật sửa đổi đang được trình QH. Thế nhưng, theo xu thế thị trường, câu chuyện nói thì dễ mà thực hiện hoá ra lại lắm vấn đề. Bởi, hoạt động quản lý kinh tế tài chính về đất đai chưa hoàn thiện, chưa tổ chức được một hệ thống định giá độc lập và các công cụ trung gian quan trọng trong việc định giá đất (như thị trường bất động sản) lại đang phát triển tự phát; thị trường quyền sử dụng đất cũng đang có biến động lớn về việc chuyển mục đích sử dụng đất… Nói tóm lại, những công cụ để có thể dựa vào đấy mà định giá lại có vẻ như mù mờ và thiếu xác thực. Đây là lý do để ĐBQH Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng: Định giá cho đúng với thị trường thật chẳng dễ.
Bên cạnh đó, một số ĐBQH nhấn mạnh: Hiện có tình trạng quá chênh lệch giữa giá các loại đất có mục đích sử dụng khác nhau; tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp đã đẩy giá đất nông nghiệp quanh đô thị tiếp cận với giá đất đô thị nên cái gọi là giá đất thị trường khác quá xa với giá trị thực của nó. Về vấn đề này, ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nhấn mạnh: "Đây là lý do làm cho người sử dụng và nhà nước không thể gặp nhau… Từ mâu thuẫn (về giá đất) dẫn đến chính sách giải tỏa đền bù thiếu nhất quán đối với từng dự án, công trình cùng một địa phương”- lý dó đó, theo ĐB Nam đã khiến cho ngày càng thêm nhiều khiếu nại liên quan đến đất đai. Những ý kiến trên cũng được ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) rất chia sẻ. Còn, ĐB Lý Kiều Vân (Quảng Trị) nêu thêm: Một vấn đề bất cập nữa trong chính sách về giá đất đó là việc quy định hàng năm UBND tỉnh, thành phố quy định giá đất. Theo ĐB Vân, quy định này là nguyên nhân của tình trạng người dân cố tình khiếu nại, tố cáo nhằm hoãn thời gian giao đất để đợi đất tăng giá. Hơn nữa việc quy định giá đất theo cơ chế thị trường, theo xu thế hàng năm, năm sau cao hơn năm trước đã tạo sự bất công bằng giữa những người giao đất. "Điều này đã tạo nên một nghịch lý những người gương mẫu thực hiện nghiêm chỉnh, chấp hành các quyết định thu hồi đất thì nhận được giá đền bù thấp, còn những người cố tình chây ì chống đối thì sau đó lại được bồi thường với giá cao”- ĐB Vân nói.
ĐBQH Thân Đức Nam
Khiếu nại tăng do chính sách không nhất quán
Đề cập đến vấn đề này, ĐB Hồ Thị Thuỷ (Vĩnh Phúc) phân tích: Trong số các nguyên nhân thì chính sách pháp luật về quản lý đất đai còn chưa phù hợp, thường xuyên thay đổi và chưa đồng bộ. ĐB này dẫn chứng: Theo báo cáo của Chính phủ, ngoài Luật Đất đai còn có 20 luật có nội dung liên quan đến đất đai, 22 nghị định của Chính phủ, 12 chỉ thị, 17 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 230 văn bản của các bộ, ngành liên quan khác.
Chính sách lắm lại hay thay đổi thế nhưng công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật đến người dân lại chưa hiệu quả- đây chính là bất cập nữa được nhiều ĐBQH chỉ ra. Nhiều trường hợp hai thửa đất liền nhau áp dụng giá đền bù khác nhau. Pháp luật về đất đai có nội dung còn mâu thuẫn với Luật Khiếu nại, tố cáo nên các cơ quan còn lúng túng trong việc xác định thẩm quyền, đùn đẩy trách nhiệm. Thôi thì vô vàn những bất cập cần được tháo gỡ để ngăn "ngòi nổ” của khiếu kiện được ĐBQH chỉ đích danh. Ở góc độ khác, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) nêu ý kiến: Vấn đề công bố giá đất hàng năm hiện nay ở các địa phương theo quy định của pháp luật nhưng chưa phù hợp với thực tế cũng là một trong những nguyên nhân gây bức xúc trong nhân dân. Một số nơi chưa tổ chức tốt việc tiếp công dân, chưa gắn công tác tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chẳng những thế, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, giải quyết về khiếu nại tố cáo, tranh chấp về đất đai vừa yếu vừa thiếu- ĐB Tiếp nói.
ĐBQH Đinh Thị Phương Lan. Ảnh: Hoàng Long
Trên cơ sở thực trạng khiếu kiện ấy, nhiều ĐB đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Những giải pháp này chủ yếu là: Bổ sung những điểm chưa phù hợp của Luật Đất đai đảm bảo hài hòa các mục đích của nhà nước, của người sử dụng đất và của người có đất bị thu hồi. Chính phủ cần đẩy mạnh công tác xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cùng với đó, mỗi địa phương cần có quy hoạch chi tiết kế hoạch sử dụng đất công khai để nhân dân biết, tạo tâm lý ổn định trong đầu tư xây dựng. Thêm vào đó, các cấp, các ngành tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử nghiêm việc thực hiện các quy định về quản lý đất đai, quản lý tài nguyên đất tránh tình trạng lấn chiếm đất công, sử dụng đất sai mục đích, cấp đất trái thẩm quyền và tích cực thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cùng đó phải nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, tăng cường công tác đối thoại với dân, công tác hòa giải ở cơ sở liên quan đến tranh chấp đất đai. "Gắn trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai.”- ĐB Huỳnh Văn Tiếp đề xuất.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh Tập trung giải quyết 528 vụ việc khiếu kiện kéo dài Từ tháng 6 đến tháng 10-2012 Thanh tra chính phủ cùng các bộ ngành đã thành lập 28 tổ công tác làm việc với 53 tỉnh thành phố. Đến cuối năm 2011 có 9 tỉnh thành phố báo cáo không có khiếu kiện kéo dài. Trên cơ sở rà soát 528 vụ việc tồn đọng kéo dài có 509 vụ khiếu nại, 19 vụ tố cáo. Những vụ khiếu kiện kéo dài liên quan đến đất đai chiếm gần 80%. Trong 528 vụ việc này có những vụ việc kéo dài đến 30 năm. Tính đến 30 -10 các tổ công tác và địa phương rà soát 513 vụ việc trên 528 vụ việc tính chất mức độ rất khó khăn, nhiều vụ việc chồng chéo khiếu kiện nhiều lần. Nguyên nhân đó là xét trách nhiệm của một số nơi chưa đầy đủ về mặt trách nhiệm, vừa qua còn có chuyện đùn đảy né tránh không giải quyết đến nơi đến chốn gây bức xúc cho người khiếu kiện và bức xúc cho cả xã hội. Cùng với đó hồ sơ pháp lý không đầy đủ, vụ việc giải quyết đã hết thẩm quyền nhưng dân vẫn khiếu kiện do chính sách bồi hoàn hay một số bà con bị kích động dẫn đến khiếu kiện vượt cấp. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng kiến nghị các đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương, đại biểu Quốc hội cần tích cực tham gia để tạo sự đồng thuận và tiếng nói chung khi tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo ở địa phương. Cùng với đó Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thường xuyên tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề về khiếu nại tố cáo để hoạt động này đạt hiệu quả hơn. "Tại kỳ họp sau khi giám sát này đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về các giải pháp cụ thể về những vấn đề như chuyển đơn lòng vòng, quy định trách nhiệm các cơ quan nhà nước, việc thông báo công khai chấm dứt khiếu nai, chấm dứt thụ lý, trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết, chính sách đào tạo cán bộ trong thụ lý giải quyết các khiếu nại. Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội có cơ chế chính sách pháp luật mang tính tổng thể trong giải quyết những vụ việc này cũng như lâu dài để giải quyết vấn đề khiếu nại tố cáo.” Ông Tranh nói. |
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet