Hậu cổ phần hoá thua lỗ ngàn tỷ: Lời cảnh báo từ Bộ Tài chính
Nhiều doanh nghiệp "hậu cổ phần hóa" vẫn ngập trong thua lỗ. Trong khi đó, việc bán vốn của nhà nước tại không ít các doanh nghiệp thua lỗ này bị ế ẩm do "ảo tưởng" về mức giá.
Thua lỗ, mất vốn
Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng Công ty CP Sông Hồng, để cảnh báo về tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị này.
Từ năm 2017, 2018, 2019, năm nào Bộ Tài chính cũng phát đi văn bản cảnh báo về tình hình khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa ra các kiến nghị để cải thiện tình hình tài chính, kinh doanh của Tổng Công ty CP Sông Hồng.
Tuy nhiên, qua rà soát báo cáo tài chính năm 2019 của Sông Hồng, Bộ Tài chính thấy rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của tổng công ty “tiếp tục không được cả thiện”.
Tổng công ty CP Sông Hồng vẫn ngập trong thua lỗ
Theo Bộ Tài chính, tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh, đầu tư của Sông Hồng rất khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty. Đến ngày 31/12/2019, vốn chủ sở hữu của Sông Hồng âm 666 tỷ đồng; bị mất toàn bộ vốn đầu tư của chủ sở hữu, số lỗ lũy kế lớn và không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn; vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty không được bảo toàn.
Đơn vị kiểm toán đã nêu ý kiến về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty này. Theo đó, kiểm toán nêu rõ: "Nợ xấu tín dụng nên Tổng công ty không đủ điều kiện về năng lực để tham gia các gói thầu nhằm tạo việc làm và nguồn tài chính cho công ty mẹ và các công ty thành viên. Doanh thu và sản lượng chủ yếu của các công trình chuyển tiếp dở dang từ các năm trước chuyển sang có hiệu quả thấp, lãi vay lớn. Công ty mẹ và tổ hợp các công ty thành viên vẫn tiếp tục mất khả năng thanh toán nghiêm trọng do nợ phải trả tiếp tục tăng từ phát sinh lãi vay phải trả cho công trình Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, nợ phải trả liên quan đến các nghĩa vụ bảo lãnh cho các công ty con.
Những điều kiện trên cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty”.
Đáng chú ý, doanh nghiệp này đã được cổ phần hóa từ 2010, nhưng hoạt động kinh doanh vẫn thua lỗ. Theo kết luận số 139/KL ngày 13/4/2014 của Thanh tra Bộ Xây dựng, từ thời điểm Tổng công ty chính thức chuyển sang công ty cổ phần (ngày 2/6/2010) đến ngày 31/4/2014, Công ty mẹ TCT CP Sông Hồng lỗ lũy kế 73,1 tỷ đồng. Theo báo cáo soát xét báo cáo tài chính bán niên năm 2016 do Công ty kiểm toán CPA Việt Nam thực hiện, Công ty mẹ TCT có số lỗ lũy kế đến ngày 30/6/2016 là: 317,6 tỷ đồng. Đến ngày 31/12/2019 lỗ lũy kế là 973,1 tỷ đồng...
Nhiều doanh nghiệp “hậu cổ phần hóa” cũng chung số phận. Sau cổ phần hóa, Tổng công ty CP Lương thực miền Nam (Vinafood 2) vẫn không khá lên dù có nhà đầu tư chiến lược. Theo báo cáo của Vinafood 2, lợi nhuận sau thuế quý II/2020 lỗ hơn 43 tỷ đồng. Tính đến hết 6 tháng năm 2020, Vinafood 2 lỗ hơn 160 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế lên 2.188 tỷ đồng.
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội vào cuối năm 2019 điểm mặt nhiều DN thua lỗ sau CPH: Tổng công ty CP Lương thực miền Nam lỗ phát sinh 1.488 tỷ đồng; Tổng công ty CP Xây dựng Sông Hồng lỗ phát sinh 387 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng và công nghiệp Việt Nam lỗ phát sinh 313 tỷ đồng...
Doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa vẫn không có lối ra
Vẫn chuyện "bình mới rượu cũ"
Điểm chung của những thua lỗ liên quan đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp “hậu cổ phần hóa” như Tổng Công ty CP Sông Hồng, Vinafood 2 đó là vốn nhà nước vẫn chiếm đa số sau cổ phần hóa. Tại Sông Hồng, vốn Nhà nước là 197,3 tỷ đồng (chiếm 73,2% vốn điều lệ), còn Vinafood 2 vốn nhà nước vẫn chiếm 51,43%... Điều này đặt ra vấn đề các doanh nghiệp “hậu cổ phần hóa” kiểu này vẫn là “bình mới rượu cũ”.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhiều lần nhấn mạnh: "Lâu nay tôi vẫn nói khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nếu đó là những doanh nghiệp đang ăn nên làm ra thì có bán một ít vốn nhà nước vẫn có nhiều người sẵn sàng mua. Bởi họ thấy được hưởng lợi từ việc mua cổ phần ấy, đó là điều bình thường.
Tuy nhiên với nhiều doanh nghiệp nhà nước khác, điều khu vực tư nhân cần khi mua vốn là họ phải được tham gia vào quản trị doanh nghiệp, đưa ra chiến lược cho doanh nghiệp phát triển. Nếu bán vốn Nhà nước nhưng Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối thì việc bán vốn này không có nhiều ý nghĩa".
Thậm chí, theo ông Trần Đình Thiên, việc này chỉ làm cho quản trị khó hơn, sử dụng vốn kém hiệu quả hơn.
“Muốn khu vực ngoài nhà nước tham gia được vào quản trị doanh nghiệp thì nhà đầu tư phải nắm giữ được đa số cổ phần. Khi cổ phần hóa một doanh nghiệp nhà nước, để có thể thay đổi cấu trúc quản trị, hiệu quả sử dụng vốn tăng lên thì phải bán vốn để tư nhân chiếm đa số. Về nguyên tắc, những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ thì nên bán hết", TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bán cổ phần với mức giá nào là điều nhiều người quan tâm. Ngày 25/12 tới đây, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ tổ chức bán đấu giá hơn 13 triệu cổ phần vốn nhà nước của Tổng công ty CP Sông Hồng (tương đương 49% vốn điều lệ) với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần, gấp 5 lần giá giao dịch trên sàn UPCOM.
Trong khi đó, cổ phiếu của TCT CP Sông Hồng (mã SHG) đang có giá tham chiếu chỉ khoảng hơn 2.000 đồng/cổ phần và đang thuộc diện hạn chế giao dịch. Mức giá 10.000 đồng/cổ phần ấy liệu có hấp dẫn hay sẽ lặp lại tình trạng “ế ẩm” như nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước trước đây.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet