Hoàn thiện trục dọc và ngang để ‘đẩy’ kinh tế ĐBSCL đi lên
Liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong giai đoạn từ năm 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, sẽ tập trung hoàn thiện các tuyến hành lang vận tải trục dọc và ngang. Đây được xem là động lực để đưa kinh tế vùng này đi lên.
Đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang thi công xây dựng. Ảnh: Trung Chánh
Tại cuộc hội thảo tham vấn về “Định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn nhìn đến năm 2050” được tổ chức tại TP Cần Thơ vào hôm nay, 20-11, ông Phan Hoàng Phương, Phó giám đốc Trung tâm phát triển giao thông đô thị và nông thôn thuộc Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải cho biết, thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục phát triển trên cơ sở hoàn thiện các tuyến hành lang vận tải trên trục dọc và ngang.
Theo đó, mạng lưới đường bộ sẽ được phát triển theo các trục hành lang dọc kết nối với TPHCM, gồm cao tốc TPHCM - Cần Thơ - Cà Mau dài 260 km với quy mô sáu làn xe, trong đó, đoạn TPHCM - Trung Lương mở rộng tám làn xe; cao tốc N2 dài 208 km với quy mô bốn làn xe, có điểm đầu tại huyện Đức Hòa (Long An) và điểm cuối tại Rạch Sỏi (Kiên Giang); cao tốc kết nối từ Nhà Bè (TPHCM) về Trà Vinh dài 104 km; quốc lộ 1 dài 334 km kết nối từ TPHCM đến Cà Mau, quy mô bốn làn xe toàn tuyến; tuyến duyên hải phía Đông, gồm quốc lộ 50, 60 và tuyến đường bộ ven biển dài khoảng 750 km từ TPHCM tới Kiên Giang.
Trong khi đó, mạng đường bộ theo trục ngang kết nối vùng ĐBSCL với các cửa khẩu quốc tế, ông Phương cho biết, trong giai đoạn tới, sẽ đầu tư và hoàn thiện các tuyến, gồm cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh dài 190 km; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 215 km; cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 205 km; quốc lộ 62 kết nối cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp dài 135 km; quốc lộ 30 và 57 kết nối cửa khẩu Dinh Bà dài 223 km.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050, sẽ đầu tư và hoàn thiện quốc lộ 53, 54, 91, 91B, 91C, 80 và 63.
Trong khi đó, về hành lang vận tải thủy nội địa, gồm có hành lang vận tải thủy TPHCM - Cần Thơ - Cà Mau; TPHCM - An Giang - Kiên Lương (Kiên Giang); hành lang vận tải thuỷ ven biển từ TPHCM đến Kiên Giang thuộc tuyến vận tải Bắc - Nam và các tuyến hành lang vận tải kết nối với Campuchia.
Về đường hàng không, theo ông Phương, đến năm 2030, tiếp tục duy trì công suất Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, nâng cao hiệu quả khai thác; nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cảng hàng không Rạch Giá và Cà Mau.
Theo đó, cảng hàng không Cần Thơ đạt cấp 4E, có công suất 3 triệu hành khách/năm; cảng hàng không Phú Quốc đạt cấp 4E, công suất 10 triệu hành khách/năm; cảng Rạch Giá và Cà Mau cùng đạt cấp 4C với công suất lần lượt đạt 0,5 và 1 triệu hành khách/năm.
Trong giai đoạn tới, ngoài việc phát triển và hoàn thiện hệ thống cảng biển ở khu vực ĐBSCL, thì sẽ nghiên cứu triển khai đầu tư tuyến đường sắt kết nối từ TPHCM đến Cần Thơ.
Ông Phương cho rằng, việc đảm bảo nguồn lực phát triển các tuyến hạ tầng trong vùng, nhất là cao tốc trong giai đoạn 2021-2030 đúng quy hoạch là rất cần thiết nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng.
Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra rằng, vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức, bao gồm các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo ra những tác động xấu đến đời sống người dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội vùng.
Do đó, theo ông Phương, việc tìm ra giải pháp giúp ĐBSCL phát triển bền vững, thịnh vượng, chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng và chuyển hóa những thách thức thành cơ hội là điều cần thiết phải thực hiện.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet