Sau khi Báo Người Lao Ðộng đăng bài "hệ lụy từ chung cư mini" phản ánh tình trạng nhiều công trình nhà ở đơn lẻ được "hô biến" thành chung cư mini, các địa phương ở TP HCM đã tích cực vào cuộc

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Ðộng, các cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền địa phương nơi xuất hiện chung cư mini khẳng định các quy định pháp luật nêu rõ không có khái niệm về loại hình "chung cư mini" do cá nhân, hộ gia đình phát triển để bán như hiện nay. Riêng Sở Xây dựng TP HCM cho biết từ trước đến nay, sở này không phê duyệt, không chấp thuận chủ trương hay chấp thuận đầu tư hoặc cấp giấy phép xây dựng với loại hình này.

Yêu cầu tháo dỡ hoàn toàn

Theo phản hồi của Phòng Quản lý đô thị quận Thủ Ðức (nơi tồn tại 2 chung cư mini ở đường số 32 và đường số 34, phường Linh Ðông, với tổng số căn hộ được xây dựng trái phép lên đến 300 căn), sau khi Báo Người Lao Ðộng phản ánh thì đơn vị này cùng các ngành chức năng của quận đã tiến hành xử lý. "Hiện 2 công trình trên đã tháo dỡ hoàn toàn những phần vi phạm" - lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận Thủ Ðức cho hay.

Lý giải về việc các công trình trên khởi công và xây dựng từ năm 2017 nhưng đến tháng 4-2018 mới bị phát hiện, sau đó việc khắc phục vi phạm bị kéo dài cho đến khi báo chí lên tiếng, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận Thủ Ðức cho rằng sở dĩ việc cưỡng chế kéo dài là do từ đầu, chủ đầu tư có đơn xin tự nguyện tháo dỡ nên cơ quan chức năng cho thêm thời gian khắc phục.

Ghi nhận thực tế ở công trình trên đường số 32 cho thấy chung cư mini cao 4 tầng với nhiều căn hộ nhỏ hiện chỉ còn một cầu thang lên xuống và các vách ngăn phòng đã được tháo dỡ hoàn toàn. Trong khi đó, công trình trên đường số 36, lối ra vào đã được khóa chặt.

Không khoan nhượng với chung cư mini - Ảnh 1.

Công trình nhà cho thuê trên đường số 32, phường Linh Ðông, quận Thủ Ðức, TP HCM đã bị tháo dỡ các phần vi phạm

Tại quận Bình Tân (nơi có 2 công trình chung cư mini cùng nằm ở hẻm 33 đường Bến Lội, phường Bình Trị Ðông A), ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND quận này, cho biết để xử lý các chung cư mini này, địa phương đã làm việc trực tiếp với Giám đốc Sở Xây dựng TP để có hướng xử lý dứt điểm.

Nói rõ hơn về 2 công trình trên, trong công văn trả lời Báo Người Lao Ðộng, ông Nhựt khẳng định cả 2 đều xây dựng sai với giấy phép xây dựng và được xây dựng gần như cùng lúc. Trong đó, công trình thuộc sở hữu của ông Phan Văn Nhi hiện tại chỉ mới tháo dỡ và khắc phục được 80% hiện trạng vi phạm. "Ðây là công trình ban đầu xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ quy mô 4 tầng. Tuy nhiên, chủ nhà đã "hô biến" thành cả chục căn hộ. Ðến nay, tại tầng 2, 3 và 4 vẫn đang tiến hành tháo dỡ vách ngăn. Hiện trạng còn 4 phòng và phát sinh thêm một phòng so với bản vẽ được duyệt. Từ kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng tiếp tục đề nghị chủ đầu tư phải khắc phục tháo dỡ sớm" - công văn nêu rõ. Tương tự, công trình vi phạm thứ 2 là của Công ty TNHH Gạch men Thanh Tùng, hiện khắc phục hiện trạng đạt 95%, còn một cửa đi và một cầu thang đi bộ chưa khắc phục.

Ngăn biến tướng cách nào?

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, cho rằng việc mua chung cư mini sẽ xảy ra tình trạng tiền mất, tật mang. Bởi từ trước đến nay, Văn phòng Ðăng ký đất đai TP HCM chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho những căn hộ dạng này. "Chung cư mini chẳng khác gì nhà 3 chung và như thế người mua luôn phải nhận lãnh phần thiệt hại, nhất là khi bị cưỡng chế tháo dỡ theo quy định" - giám đốc Sở TN-MT nhấn mạnh.

Ngoài thiệt hại về phần người mua, theo ông Nguyễn Minh Nhựt, "chung cư mini" còn để lại hệ lụy lớn lên hạ tầng cũng như các khu dân cư xung quanh khi dân số liên tục gia tăng . "Nếu đó là công trình nhà ở riêng lẻ thì chỉ có thêm vài chục người sinh sống, nhưng khi biến thành chung cư mini thì số người sinh sống tăng lên gấp nhiều lần, trong khi hạ tầng xung quanh không thể đáp ứng kịp. Như vậy là hết sức tai hại" - vị lãnh đạo quận Bình Tân nói. Ông Nhựt cho hay chưa nói đến pháp lý, chỉ bàn đến an toàn phòng cháy chữa cháy ở các chung cư mini cũng đã thấy rõ mối nguy.

Ðể ngăn chặn tình trạng trên, quận Bình Tân đang rà soát hàng loạt công trình có giấy phép nhà ở riêng lẻ với diện tích lớn để xác định có bị "hô biến" thành chung cư mini hay không thông qua việc tạo vách ngăn, chia nhiều phòng. "Việc rà soát và kiểm tra này là nhằm sớm ngăn chặn để tránh gây thiệt hại về tài sản cho người mua cũng như những chủ nhà cố ý làm sai giấy phép để rồi phải bị cưỡng chế, tháo dỡ" - phó chủ tịch UBND quận Bình Tân khẳng định.

Liên quan đến vụ việc, Sở Xây dựng TP cho biết từ tháng 10-2020 đã rà soát tất cả công trình nhà ở riêng lẻ có quy mô lớn để ngăn chặn tình trạng biến tướng thành chung cư mini.

Kêu gọi làm nhà trọ đạt chuẩn cho thuê

Theo Sở Xây dựng TP HCM, hiện nay nhu cầu nhà ở đang tăng cao, đến năm 2021 có thể lên đến nửa triệu hộ cần có nhà, vì vậy giải pháp tốt nhất là kêu gọi cá nhân, chủ đầu tư xây dựng nhà trọ cho thuê. Để khuyến khích, Sở Xây dựng đã ban hành hướng dẫn làm nhà trọ đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu tạm cư đối với người lao động không có điều kiện mua nhà.

Lãnh đạo UBND quận Bình Tân cho hay địa phương đang triển khai rốt ráo giải pháp trên. "Từ đầu năm đến nay, quận cũng đã hướng dẫn trên 40 trường hợp cá nhân, tổ chức xây dựng nhà trọ cho thuê nhằm đáp ứng nhu cầu. Tiêu chuẩn làm nhà trọ cho thuê khác với việc lén lút xây dựng chung cư mini trái phép khiến nhiều người bị nhầm lẫn" - lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân thông tin.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME