Làm mới cảnh quan, môi trường đô thị: Nhìn từ khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp
Cảnh quan, môi trường các khu đô thị luôn được xem là một phần quan trọng của bộ mặt TP. Làm thế nào để xã hội hóa công tác bảo vệ cảnh quan, môi trường tại các khu đô thị mà dân cư có thu nhập trung bình và thấp đang là vấn đề nan giải của Hà Nội cũng như các TP lớn trong cả nước.
Bài 1: Những mảng màu sáng, tối
Một góc khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp mở rộng.
Gần đây, thuật ngữ khu đô thị xanh hay khu đô thị thông minh đang được nhắc đến khá nhiều, như là một xu thế tất yếu của các TP hiện đại trên thế giới. Dù tên gọi các khu đô thị như thế nào, tiêu chí cảnh quan, môi trường luôn được đặt lên hàng đầu cả của đơn vị quản lý lẫn người dân.
Thực trạng các kiểu khu đô thị
Hiện nay, tại Hà Nội và các TP lớn tồn tại 3 loại khu đô thị, lâu đời nhất là các khu tập thể cao tầng như Kim Liên, Thành Công, Giảng Võ... Tiếp đến là các khu đô thị mới ra đời cách đây 20 năm nhưng chưa đạt chuẩn như Việt Hưng, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Linh Đàm. Và cuối cùng là các khu đô thị mới, hiện đại mà điển hình nhất là Phú Mỹ Hưng (TP Hồ Chí Minh) đã phát triển thành một khu đô thị hoàn thiện theo tiêu chuẩn quốc tế, trở thành khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam.
Phải nói, các khu đô thị ở Việt Nam ra đời gần đây đang hướng đến sự đồng bộ trong hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng được thẩm mỹ trong không gian kiến trúc cũng như hợp phong cách sống thời hiện đại. Điều này đã được luật hoá tại Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và các thông tư, nghị định chuyên ngành. Tại Thông tư 10/2008/TT-BXD đưa ra 6 tiêu chí đánh giá khu đô thị mới kiểu mẫu gồm: Sự hình thành khu đô thị tuân thủ pháp luật; xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hạ tầng xã hội đầy đủ; xây dựng các công trình kiến trúc phù hợp với quy hoạch, hài hòa cảnh quan; quản lý xây dựng và bảo trì công trình; môi trường văn hóa đô thị lành mạnh, thân thiện; quản lý, khai thác sử dụng khu đô thị mới vì lợi ích công cộng, xã hội.
Thủ đô Hà Nội đang có những địa chỉ được cộng đồng dân cư đánh giá là khu đô thị “đáng sống”, có quy hoạch cảnh quan, môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế như Times City (quận Hai Bà Trưng), Ciputra (quận Tây hồ), Royal City (quận Đống Đa), Đặng Xá (huyện Gia Lâm)… Ngay từ khâu lập dự toán, các chủ đầu tư đã dành kinh phí đáng kể để thiết kế khu vực công cộng, đảm bảo tỷ lệ cây xanh công cộng từ 7m2/người trở lên; bảo đảm sự phù hợp về cây xanh chức năng, cây xanh đường phố… Nơi đây hoa nở quanh năm, vệ sinh các khu công cộng, đường đi lối lại luôn sạch sẽ, an ninh trật tự được thắt chặt. Bất cứ đóng góp chính đáng nào của cư dân đều được chủ đầu tư lắng nghe và điều chỉnh kịp thời. Do danh hiệu khu đô thị kiểu mẫu được đánh giá 5 năm một lần nên các chủ đầu tư đều phải xây dựng kế hoạch quản lý dài hơi, trong đó yếu tố bảo đảm nguồn kinh phí luôn được đặt lên hàng đầu.
Dường như các chủ đầu tư đều chủ động phối hợp với Ban quản trị chung cư do dân bầu, tìm chọn công ty vệ sinh, cây xanh và an ninh có chất lượng để đảm bảo vệ sinh, cảnh quan, an ninh trật tự khu đô thị. Các tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn đều hiểu, chất lượng sống khu đô thị chính là vấn đề sống còn của thương hiệu. Đương nhiên người dân sống trong các khu đô thị cao cấp sẽ phải bỏ ra khoản tiền tương ứng với dịch vụ.
Chủ đầu tư những khu đô thị này đi tiên phong sở hữu hệ sinh thái xanh và quy mô bậc nhất nước. Với xu hướng sống xanh hiện nay thì khu đô thị trở thành viên ngọc quý, nhiều người mong muốn để có một môi trường sống nghỉ dưỡng trong lòng TP.
Với việc chú trọng vào kiến trúc phù hợp quy hoạch, hài hoà cảnh quan; quản lý xây dựng và bảo trì công trình; môi trường văn hoá đô thị lành mạnh, thân thiện, giá của các khu đô thị này không rẻ nhưng vẫn được nhiều người có thu nhập quan tâm. Với các khu đô thị kiểu này, do người dân có thu nhập cao nên công tác vệ sinh môi trường, quản lý, vận hành của Ban quản trị không gặp phải những khó khăn đáng kể nào.
Cái khó bó cái khôn
Bên cạnh đó, bộ mặt cảnh quan, môi trường của các khu đô thị có tuổi đời xấp xỉ 20 năm như Linh Đàm, Pháp Vân, Văn Quán, Việt Hưng… suất đầu tư ban đầu thấp, trải qua thời gian sử dụng hạ tầng đã bắt đầu xuống cấp. Kinh phí dành cho vệ sinh, môi trường, chỉnh trang bộ mặt đô thị còn gặp trở ngại, người dân nơi đây phần lớn thu nhập trung bình và thấp, việc huy động đóng góp đang gặp rất nhiều khó khăn.
Chưa kể, chúng ta còn các khu nhà tập thể cao tầng như Kim Liên, Giảng Võ, Thành Công… được xây dựng từ năm 1959, đến nay đã quá xập xệ, đang nằm trong giai đoạn chờ cải tạo, xây dựng lại toàn bộ trong thời gian tới. Tâm lý sống tạm bợ, chờ ngày di dời đã khiến cho công tác vệ sinh, môi trường các khu đô thị này dường như không được mấy ai quan tâm.
Trong dòng chảy đô thị hóa, các khu tập thể cũ, xập xệ, mất mỹ quan như khu tập thể Kim Liên, Giảng Võ… sẽ không còn phù hợp. Nhưng trước khi nó biến mất sau hơn nửa thế kỷ tồn tại, công tác vệ sinh, môi trường, cảnh quan đô thị nơi đây cũng là dấu hỏi lớn cho các cơ quan chức năng trước bài toán cải tạo và lưu giữ. Nói rộng ra, công tác quản lý, trong đó có vệ sinh, môi trường (bao gồm cả mới và cũ) của các khu đô thị dưới chuẩn đô thị kiểu mẫu theo Thông tư 10/2008/TT-BXD cần được đi theo hướng nào? Chẳng lẽ cứ để một thực trạng buồn như thế từ năm này qua năm khác chỉ vì lý do thiếu kinh phí?
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet