Loang lổ chuỗi đô thị Điện Nam - Điện Ngọc
Được triển khai từ hơn 20 năm trước, song Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vẫn trong tình trạng loang lổ, chưa thành hình như quy hoạch đề ra.
Hạ tầng của nhiều dự án tại Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc vẫn chưa hoàn thành
Người dân khiếu kiện
Từ năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc có tổng diện tích 2.537 ha trên 5 phường của thị xã Điện Bàn (gồm Điện Ngọc, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông và Điện Dương). Nhưng đến nay, mới có vài dự án tại đây được đầu tư hoàn thành, những dự án còn lại đều dở dang.
Thị xã Điện Bàn là khu vực trọng điểm phát triển đô thị của cả tỉnh, vì vậy việc tháo gỡ những ‘nút thắt’ về cơ chế chính sách, giải phóng mặt bằng là rất quan trọng để làm mẫu áp dụng cho cả tỉnh.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
Ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, hơn 100 dự án đã và đang triển khai trên địa bàn gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng và tái định cư. Những năm qua, tòa án các cấp thường xuyên triệu tập lãnh đạo UBND thị xã (khoảng 3 - 4 lần trong tuần) để giải quyết những vụ việc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng. Từ năm 2019 đến nay, Điện Bàn giải quyết hơn 52 trường hợp khiếu kiện và 235 đơn khiếu nại liên quan đến việc triển khai các dự án.
Đơn cử vụ khởi kiện UBND thị xã Điện Bàn của hộ ông Phạm Tiến, có thửa đất bị ảnh hưởng giải tỏa trắng để thực hiện Dự án Nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT.607A đoạn qua phường Điện Nam Đông. UBND thị xã Điện Bàn đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 658 m2, loại đất thổ cư lâu dài cho hộ ông Tiến. Phường Điện Nam Đông xác nhận nguồn gốc đất của ông Tiến sử dụng sau ngày 18/12/1980 và diện tích sau khi đo đạc thực tế là hơn 941 m2. Sau khi trừ 112 m2 đất giao thông đường bộ, gia đình ông Tiến yêu cầu phải đền bù hết 828 m2 là đất ở.
Tòa án các cấp đã tuyên hộ ông Tiến thắng kiện, nhưng thị xã Điện Bàn không thể thi hành các bản án vì trái với các quy định được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành và hướng dẫn. Qua thời gian triển khai thực hiện các quy định của Luật Đất đai 2013, các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh Quảng Nam, UBND thị xã Điện Bàn nhận thấy những vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng pháp luật đối với việc xác định diện tích đất ở đối với thửa đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất thổ. “Bất cập này dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện ngày càng tăng và làm trì trệ công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng tái định cư”, ông Trần Úc chia sẻ.
Ngoài giải phóng mặt bằng, thị xã Điện Bàn cũng gặp khó khăn khi quỹ đất tái định cư tại một số dự án chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong thu hồi đất, đền bù cho dân. Chẳng hạn, việc xây dựng các cầu qua sông Cổ Cò trên địa phận thị xã Điện Bàn chưa tính được phương án bố trí tái định cư cho người dân.
Tháo nút thắt
Nằm tiếp giáp TP. Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An, thị xã Điện Bàn thu hút các dự án về du lịch, đô thị vào đầu tư từ rất sớm. Song sau bao nhiêu năm triển khai, việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong, quy hoạch và quản lý quy hoạch tại khu đô thị trọng điểm của Quảng Nam tồn tại hàng loạt bất cập. Không những vậy, nhiều chủ đầu tư các dự án đô thị còn tổ chức huy động vốn trái quy định, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh cho biết, từ rất sớm, nhiều dự án, bao gồm các dự án đô thị, du lịch, giao thông, được triển khai tại thị xã Điện Bàn. Nhưng việc phát triển khu vực đô thị này còn tồn tại nhiều bất cập cần phải tháo gỡ. Bên cạnh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thì công tác quy hoạch, quản lý đầu tư các dự án còn hạn chế.
“Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc chia quá nhiều dự án, cả trăm dự án nhỏ, dẫn đến quá nhiều nhà đầu tư. Có nhà đầu tư làm trước, có nhà đầu tư làm sau, nhà đầu tư có năng lực, nhà đầu tư không có năng lực dẫn đến nhiều bất cập trong triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, bồi thường giải phóng mặt bằng. Hạ tầng khung của Khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc và các trục giao thông cũng chưa được quan tâm đầu tư, tạo sự loang lổ tại khu vực này. Một số chủ đầu tư thực hiện huy động vốn trái quy định, dẫn đến người dân kéo vào tỉnh khiếu nại, kêu cứu thường xuyên”, ông Thanh nói.
Trước tình trạng trên, ông Thanh đã ký Công văn yêu cầu thị xã Điện Bàn thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để thực hiện thanh tra công tác giải phóng mặt bằng các dự án khu dân cư, đô thị trên địa bàn thị xã. Theo UBND thị xã Điện Bàn, hiện một số dự án trên địa bàn không thể tiếp tục triển khai hoàn thiện do gặp khó khăn, vướng mắc trong việc lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đối với đất nông nghiệp, mồ mả, miếu thờ..., vì chủ đầu tư đã chi ứng trước tiền giải phóng mặt bằng cho nhân dân và hiện trạng ảnh hưởng không còn.
Theo ông Lê Trí Thanh, về giải phóng mặt bằng, thị xã Điện Bàn phải làm rõ vướng ở cơ quan nào, trách nhiệm của ai… để từ đó giải quyết thấu đáo và hài hòa lợi ích cho người dân, nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, thị xã Điện Bàn phải làm việc với các doanh nghiệp để lấy lại một phần đất trong dự án nhằm bố trí đất tái định cư cho người dân.
Quảng Nam kỳ vọng, Khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc tạo chuỗi đô thị kết nối giữa Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An, hình thành chuỗi đô thị Lăng Cô - Đà Nẵng - Hội An, tạo động lực lan tỏa phát triển cả khu vực như quy hoạch đề ra. Song với các vướng mắc hiện nay, nếu không có giải pháp quyết liệt và đồng bộ để tháo gỡ “nút thắt” về cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư, xử lý nghiêm chủ đầu tư yếu kém, thì việc hình thành khu đô thị này sẽ còn kéo dài.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet