Mở rộng quy hoạch thủ đô cần đoạn tuyệt với tư duy cục bộ
NoiThatXhome.vn - Việc mở rộng thủ đô Hà Nội đã gây tranh cãi với rất nhiều ý kiến trái chiều. Cho đến nay việc mở rộng thủ đô đã được 4 năm nhưng vẫn còn quá nhiều bất cập. Bài học rút ra cần phải loại bỏ tư duy cục bộ trong vấn đề quy hoạch và đầu tư ở mỗi địa phương.
Ảnh: VnExpress
Quá nhiều bất cập
Ngày 1/8/2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây và một phần của 2 tỉnh Hòa Bình và Vĩnh Phúc được sáp nhập vào thủ đô. Hà Nội trở thành một trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới. Tiếp quản địa giới hành chính rộng, trình độ dân trí không đồng đều, văn hóa và kinh tế, sản xuất đa dạng là một thách thức lớn. Qua hơn 4 năm mở rộng, Hà Nội đã đạt những thành quả nhất định nhưng vẫn còn không ít những bất cập cần được tập trung giải quyết.
Những bất cập đó đã được người dân phản ảnh qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND TP Hà Nội. Tình trạng thiếu trường học ở những khu đô thị mới, nhà siêu mỏng, siêu méo, nhà xây dựng trái phép diễn ra tràn lan, nhiều dự án treo gây lãng phí đất, dự án mới mọc lên nhưng cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng nhà tái định cư kém, ách tắc giao thông, hệ thống thoát nước kém gây ngập lụt, thủ tục rườm rà trong cấp đất giãn dân…đang là những tồn tại gây bức xúc cho người dân.
Đặc biệt việc mở rộng thủ đô đã góp phần làm cho giá nhà đất ở đây tăng cao một cách phi lý. Giờ đây giá đất tại thủ đô đã cao hơn rất nhiều so với TP.HCM. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế xã hội tại đây.
Cần nhìn lại thực tiễn sau hơn 4 năm mở rộng
Một trong những vấn đề mà đồ án quy hoạch mở rộng vùng thủ đô hướng đến là nâng cao tính liên kết, đồng bộ, phát triển mọi mặt, giảm áp lực cho Hà Nội đồng thời tạo thêm động lực cho các địa phương phát triển. Tuy nhiên, việc giải quyết những yêu cầu đó cần phải dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong nước kết hợp với bài học từ quy hoạch những thành phố lớn trên thế giới.
Sau 4 năm mở rộng, những vấn đề nóng bỏng như quá tải cơ sở hạ tầng, phát triển khu đô thị manh mún, thiếu đồng bộ…vẫn chưa được Hà Nội giải quyết. Đã đến lúc cần đánh giá một cách nghiêm túc hiệu quả của những phương án giải quyết dựa trên quy hoạch mở rộng đó trước khi tiếp tục mở rộng quy hoạch vùng thủ đô. Việc này cần được rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả quản lý đô thị và để tránh những sai lầm có thể lặp lại.
Ở nhiều quốc gia phát triển, không gian quy hoạch vùng thủ đô rộng lớn nhưng phải đảm bảo tính đồng bộ, tính liên kết, tính hiệu quả và bền vững giữa các vùng. Khi nguồn lực có hạn, việc quy hoạch vùng thủ đô quá rộng lớn có thể dẫn đến những dự án treo gây lãng phí đất đai, phân tán nguồn lực. Mặt khác, những quy hoạch này gây ra hiện tượng đầu cơ đất đai gây lãng phí của cải cho toàn xã hội.
Bỏ tư duy cục bộ trong quy hoạch và phát triển
Mở rộng quy hoạch vùng thủ đô cần được đặt trên một bình diện rộng hơn. Đó là mối liên hệ với các địa phương còn lại của miền Bắc, mối liên hệ với mọi vùng miền của đất nước và kể cả những quốc gia khác. Nếu không sớm có cái nhìn toàn diện, thì mở rộng vùng thủ đô sẽ tiếp tục diễn ra những bất cập, thiếu liên kết, thiếu đồng bộ và tính hiệu quả trên tổng thể sự phát triển quốc gia.
Nếu chỉ chú trọng quy hoạch những địa phương trong vùng thủ đô thì những địa phương lân cận còn lại sẽ bị ảnh hưởng một cách tiêu cực. Mỗi địa phương trong cả nước tự quy hoạch dẫn đến nhiều tổn thất và lãng phí những nguồn lực lớn. Thực tế, hiện nay cả nước có quá nhiều nhà máy xi măng, quá nhiều sân Golf, nhiều địa phương xin quy hoạch cảng biển, sân bay…do quy hoạch và triển khai theo tư duy cục bộ.
Để tránh vết xe đổ, quy hoạch vùng thủ đô cần được mở rộng ra thành quy hoạch vùng lãnh thổ trong mối liên hệ với các vùng lãnh thổ khác nhau của nước ta và sự giao lưu với các nước. Quy hoạch đó phải dựa trên những yếu tố là lợi thế cạnh tranh của mỗi vùng như tài nguyên, điều kiện tự nhiên, điều kiện địa lý, nguồn lực con người, văn hóa xã hội mới đáp ứng sự phát triển bền vững. Công tác quy hoạch vùng lãnh thổ cần phải ưu tiên làm tiền đề cho các địa phương phát triển đúng định hướng.
Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu để lập quy hoạch vùng lãnh thổ cần một khối lượng tri thức khổng lồ, phải có sự đầu tư về thời gian và sự tham gia của các ngành, các lĩnh vực khác nhau. Trên cơ sở quy hoạch đó, cơ quan quản lý nhà nước và các bộ chủ quản phải giữ vai trò điều phối các địa phương triển khai đồng bộ từng cụm dự án theo quy hoạch để mang lại hiệu quả.
Mở rộng vùng thủ đô bây giờ hay tập trung nguồn lực để giải quyết những bất cập và đầu tư thời gian cho việc quy hoạch vùng lãnh thổ, thay đổi cơ chế quy hoạch triển khai theo tư duy cục bộ, địa phương là bài toán cần được cân nhắc thấu đáo.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet