Mỹ muốn tung thêm 2.000 tỷ USD cho hạ tầng, nhưng lại đi sau Trung Quốc một bước về nguồn cung, khiến chi phí có thể tăng mạnh.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 31/3 công bố gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá hơn 2.000 tỷ USD nhằm củng cố kinh tế hậu đại dịch. Điều này đồng nghĩa Mỹ sẽ cần nhiều hàng hóa hơn. Nhưng họ sẽ gặp phải thách thức từ Trung Quốc.

Mỹ sẽ cần thêm thép, xi măng, nhựa đường và đá dăm để xây hạ tầng giao thông. Họ cũng cần coban, lithium và đất hiếm để sản xuất pin. Và trên hết, họ sẽ cần rất nhiều đồng.

Đồng là kim loại cần thiết để sản xuất xe điện mà Biden tuyên bố sẽ trang bị cho đội xe chính phủ. Nó cũng được dùng trong hạ tầng các trạm sạc, trong dây cáp kết nối tuabin gió, các trang trại năng lượng mặt trời và lưới điện. Nhưng khi nói đến tất cả những mặt hàng này, đặc biệt là đồng, thì Washington đã chậm hơn Bắc Kinh một nhịp, khiến họ có nguy cơ tốn tiền hơn khi đi mua.

Công nhân trên dây chuyền sản xuất đồng tấm tại nhà máy ở Đồng Lăng, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc là nơi đầu tiên bị Covid-19 tấn công, nhưng cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu phục hồi từ đại dịch. Khi phần còn lại của thế giới rơi vào tình trạng bế tắc, khiến giá hàng hóa giảm mạnh vào tháng 3 và tháng 4 năm 2020, Trung Quốc đã chớp thời cơ để mua vào.

Các nhà sản xuất, thương nhân và thậm chí cả chính phủ Trung Quốc đã mạnh tay mua hàng hóa toàn cầu, như một người nghiện mua sắm đang săn hàng giảm giá. "Họ đã mua rất nhiều đồng năm ngoái và tôi không tin rằng điều này chỉ phục vụ nhu cầu công nghiệp", David Lilley - CEO Drakewood Capital Management (Anh) cho biết. Ông nghĩ rằng động thái của Trung Quốc nhằm xây dựng nguồn dự trữ đồng chiến lược để phục vụ cho các kế hoạch riêng.

Trung Quốc đã nhập khẩu 6,7 triệu tấn đồng chưa gia công trong năm ngoái, tăng hơn 30% so với năm trước đó và nhiều hơn 1,4 triệu tấn so với kỷ lục cũ.

Số lượng tăng thêm này tương đương toàn bộ lượng đồng mà Mỹ cần tiêu thụ trong một năm. Các nhà giao dịch và phân tích cho rằng, riêng Cục Dự trữ Nhà nước Trung Quốc đã mua khoảng 300.000 - 500.000 tấn đồng trong thời kỳ giá giảm.

Đó dường như là một giao dịch thông minh. Một phần nhờ Trung Quốc mua, giá đồng giờ đã tăng gấp đôi so với tháng 3/2020, hiện vào khoảng 9.000 USD một tấn. Tuy nhiên, một số người cho rằng đồng và các mặt hàng khác còn vẫn còn dư địa để tiếp tục tăng giá. Nguyên nhân là sự kết hợp giữa kinh tế toàn cầu phục hồi và các gói kích thích hào phóng của chính phủ, khiến giới đầu cơ tiếp tục đẩy giá lên. Giới kinh doanh cũng đang đưa ra nhiều dự đoán khác nhau về mức giá kỷ lục mới.

Concord Resources (Anh) cho rằng giá đồng sẽ vượt qua kỷ lục trước đó là 10.190 USD để lên 12.000 USD mỗi tấn trong 18 tháng tới. Trafigura Group - hãng kinh doanh đồng hàng đầu - còn cho rằng giá đồng sẽ lên tới 15.000 USD.

Trung Quốc đã đổ một lượng tiền khổng lồ vào cơ sở hạ tầng trong hai thập kỷ qua, đến mức quốc gia này đóng góp khoảng một nửa nhu cầu thế giới về nhiều kim loại. Điều này càng buộc họ phải thông minh hơn trong việc mua hàng.

Các nhà máy luyện đồng của Trung Quốc đã bắt tay nhau để đàm phán với các mỏ khai thác trên thế giới. Các công ty của Trung Quốc, một số thuộc sở hữu nhà nước, đã mua hoạt động khai thác ở khắp mọi nơi từ Congo, Peru đến Indonesia và Australia. Trong những năm gần đây, họ cũng mua lại các công ty thương mại quốc tế.

Đối với đất hiếm - thứ có thể được gọi là hàng hóa của tương lai, Trung Quốc cũng đang dẫn đầu cuộc chơi. Nước này là nước sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới. Đây là nguyên liệu quan trọng trong tất cả các sản phẩm công nghệ cao. Họ cũng chiếm ưu thế trong việc xử lý các nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất pin lithium ion - bao gồm lithium, coban, niken và graphite - nền tảng của cuộc cách mạng xe điện.

Theo Simon Moores - CEO Benchmark Mineral Intelligence - người đã tư vấn cho Nhà Trắng về ngành pin, dù chỉ 23% nguyên liệu thô của pin trên thế giới được khai thác ở Trung Quốc, 80% quá trình xử lý trung gian lại diễn ra ở nước này.

Trong kế hoạch 5 năm mới nhất được công bố tháng trước, Bắc Kinh đã tiết lộ cách thức tăng cường hệ thống dự trữ năng lượng và hàng hóa, bao gồm cả việc nắm giữ các kho dự trữ chiến lược.

Một quan chức tại cục dự trữ nước này cho biết an ninh hàng hóa là phải dự trữ nhiều loại hàng. Chúng bao gồm những mặt hàng thiếu hụt, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, có biến động giá lớn và được sản xuất tại các quốc gia bất ổn về chính trị, kinh tế.

Ở Mỹ, sự an toàn về nguồn cung như vậy chỉ là mối quan tâm thứ yếu. Khi Washington chú ý đến địa chính trị của hàng hóa, họ tập trung vào các nguồn dầu mỏ của Trung Đông. Thậm chí, mối quan hệ đó vẫn phát triển khi cuộc cách mạng dầu đá phiến giúp nước này giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu.

Trong khi đó, đồng và các kim loại khác ít được quan tâm hơn. Các nhà phân tích tại Macquarie Group chỉ ra rằng, trong khi nhu cầu đồng của Trung Quốc tăng vọt trong hai thập kỷ qua, tiêu thụ tại Mỹ giảm.

Dù vậy, sự gia tăng các gói kích cầu có nghĩa là điều này chắc chắn sắp thay đổi. Trong khi các chi tiết về việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng của Biden vẫn chưa được công bố tại Quốc hội, công ty tư vấn CRU Group ước tính rằng chi tiêu 1.000 tỷ USD có thể đòi hỏi thêm 6 triệu tấn thép, 110.000 tấn đồng và 140.000 tấn nhôm mỗi năm.

"Trung Quốc đã xem xét các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của mình từ trên xuống dưới trong một thời gian và đang tăng dự trữ chiến lược", Lilley cho biết, "Tôi không nghĩ rằng phương Tây đã bắt đầu nghĩ về điều đó. Nguồn cung nguyên liệu thô vẫn rất thất thường".

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME