Nhà ở cho công nhân khu công nghiệp cần đưa vào danh mục đầu tư công 5 năm tới
“Riêng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đến nay cả nước mới có 2,58 triệu m2, đủ bố trí cho khoảng 330.000 người lao động. Con số này thật quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế".
Chiều 27/7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kế hoạch tài chính, đầu tư công và vay, trả nợ công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Vốn đầu tư công cần phải được hiểu đó là tiền thuế của nhân dân
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội, Luật Đầu tư công năm 2019 đã được sửa đổi theo hướng đổi mới tăng cường phân cấp cho các địa phương. Hiện nay, từ khâu đề xuất dự án đến phân bổ nguồn lực về căn bản giao cho các địa phương.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội
Bên cạnh những địa phương thực hiện nghiêm túc, còn một số địa phương chưa thực hiện đúng quy trình, chưa tuân thủ đúng trật tự ưu tiên. Ví dụ tháng 2/2020, một số dự án đã được phân bổ nguồn lực dự phòng xuất phát từ tính cấp bách, nhưng cũng chính các dự án đó chỉ sau 6 tháng khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn thì đã không còn là cấp bách.
“Điều này cho thấy nhiều khi việc xây dựng danh mục dự án không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà xuất phát từ ý muốn chủ quan”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu ý kiến.
Hiện nay theo báo cáo của Chính phủ, có tổng số 3.476 dự án thuộc diện chuyển tiếp, tuy nhiên, trong số đó chỉ có 2.731 dự án có phương án bố trí, còn lại hơn 1.000 dự án chưa có phương án phân bổ cụ thể.
“Việc này dẫn đến hệ lụy là lãng phí nguồn lực, kỷ luật tài chính chưa nghiêm và đặc biệt là tạo áp lực ngân sách cho giai đoạn tiếp theo khi rất nhiều dự án mới được bổ sung”, nữ đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chấn chỉnh đối với một số địa phương nhưng cũng cần hết sức lưu tâm, bởi vì vốn đầu tư công cần phải được hiểu đó là tiền thuế của nhân dân.
“Kể cả vốn đi vay thì người trả cũng sẽ là nhân dân. Đó không phải là sở hữu của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Tuy nhiên, trong quá trình phân bổ nguồn lực đã có những cá nhân khi được giao nhiệm vụ phân bổ vốn, tự cho mình cái gọi là quyền ban phát. Câu chuyện về cơ chế xin - cho không biết khi nào mới kết thúc”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu rõ.
Nữ đại biểu kiến nghị cần đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện. Bên cạnh việc động viên những địa phương thực hiện tốt, cũng cần xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm đạo đức công vụ.
Vấn đề nhà ở cho công nhân còn nhiều bức xúc
Đại biểu Nguyễn Đình Khang, đoàn Ninh Thuận - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - nêu bức xúc hàng đầu hiện nay của công nhân lao động cả nước là vấn đề nhà ở. Thực tế triển khai công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, bức xúc này càng lộ rõ.
Đại biểu Nguyễn Đình Khang, đoàn Ninh Thuận - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
“Hàng triệu công nhân từ Bắc chí Nam khi bị cách ly, phong tỏa nhiều ngày trong thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng phải sống trong các phòng trọ do người dân xây dựng tự phát, chật chội, ẩm thấp, thiếu tiện nghi tối thiểu, giá thuê cao. Điển hình có những địa phương tại một thôn ở gần các khu công nghiệp chỉ có hơn 1.000 dân nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân lao động, điều này tạo nên sức ép rất lớn về mật độ dân số, gây áp lực về hạ tầng xã hội và dễ phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết.
Theo một báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, cả nước hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600 ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250 ha). Như vậy, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.
“Riêng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đến nay cả nước mới có 2,58 triệu m2, đủ bố trí cho khoảng 330.000 người lao động. Con số này thật quá ít ỏi so với thực tế nhu cầu về nhà ở của hàng chục triệu công nhân”, đại biểu Nguyễn Đình Khang nói.
“Từ thực tế cấp bách về vấn đề nhà ở cho công nhân, đề nghị Quốc hội xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, xem xét, bổ sung trong kế hoạch vốn một gói để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, chăm lo cho công nhân - lực lượng đang trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội nhưng rất dễ bị tổn thương để hướng đến xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh”, đại biểu Nguyễn Đình Khang kiến nghị.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận việc phân cấp, phân quyền hiện nay cũng chưa rõ, chưa gắn với trách nhiệm giải trình kết quả thực hiện.
“Chủ trương thì phải phân cấp mạnh, thế nhưng phân cấp rõ ràng rồi, luật rất rõ rồi nhưng nhiều địa phương vẫn né tránh đùn đẩy và liên tục hỏi lại Trung ương để hướng dẫn lại những vấn đề đã rõ, gây mất nhiều thời gian và không cần thiết. Đó là liên quan đến mặt trái của phân cấp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Lý giải những ý kiến về việc dàn trải vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, theo quy định phân cấp, phân quyền, quyết định cuối cùng là của địa phương, Trung ương chỉ phân bổ vốn dựa trên khả năng thu ngân sách.
“Quyền quyết định cuối cùng là ở địa phương, nên bây giờ dàn trải là do địa phương dàn trải, chọn dự án cũng không đúng rồi bố trí vốn chậm, giao vốn chậm, bố trí mặt bằng chậm…”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet