Giấc mơ sở hữu một ngôi nhà ngày càng xa vời ở mọi quốc gia trên thế giới. Các chính phủ đang phải vật lộn với những hậu quả do thiếu nhà ở cho người dân.

Giá bất động sản tăng vọt buộc người dân trên toàn thế giới phải từ bỏ hy vọng sở hữu nhà. Thiếu nhà ở đang trở thành một vấn đề mang tính chính trị với các chính phủ.

Điều này được đẩy lên cao trào bởi đại dịch. Giá mua nhà tăng, giá thuê nhà cũng tăng. Khả năng chi trả cho nhà ở là một trong những bất bình đẳng đã tồn tại trong nhiều năm. Giờ đây, nó nghiêm trọng tới nỗi có thể khiến cả một thế hệ bị bỏ lại phía sau.

Thị trưởng Berlin, Michael Mueller, cho biết: “Nhiều người dân thành phố đang bị bỏ lại phía sau vì không đủ khả năng chi trả cho nhà ở. Tình hình tương tự đang diễn ra ở London, Paris và Rome”.

Nhà ở đang trở thành một vấn đề chính trị với những hậu quả khó lường. Lãnh đạo tổ chức công đoàn Ver.di của Đức gọi tiền thuê nhà của thế kỷ 21 tương đương với giá bánh mì, một hiện tượng từng gây ra bất ổn xã hội trong lịch sử nước này.

Ở Berlin, các nhà vận động đã thu thập đủ chữ ký để tổ chức trưng cầu dân ý về việc thu hồi bất động sản từ các doanh nghiệp tư nhân lớn. Đề nghị được đưa ra bỏ phiếu vào ngày 26 tháng 9. Chính quyền thành phố hôm thứ Sáu thông báo họ sẽ mua lại gần 15.000 căn hộ từ hai nhà phát triển lớn với giá 2,46 tỷ Euro (2,9 tỷ đô la) để mở rộng nguồn cung nhà ở cho người dân.

Các chính trị gia đang đưa ra đủ loại ý tưởng để giải quyết vấn đề nhà ở, từ giới hạn tiền thuê nhà đến thuế đặc biệt đối với chủ nhà, quốc hữu hóa bất động sản tư nhân, hoặc biến các văn phòng trống thành nhà ở. Nhưng không ý tưởng nào chứng tỏ được sự hiệu quả và tính bền vững.

Tại Hàn Quốc, đảng của Tổng thống Moon Jae-in đã thất bại trong cuộc bầu cử thị trưởng năm nay sau khi không giải quyết được tình trạng giá nhà trung bình tại Seoul tăng lên 90% kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 5 năm 2017. Ứng cử viên tổng thống của đảng đối lập đã cảnh báo về khả năng thị trường nhà ở sẽ sụp đổ khi lãi suất tăng.

Trung Quốc đã tăng cường các hạn chế đối với lĩnh vực bất động sản trong năm 2021 và đang tăng thuế bất động sản để hạ giá nhà. Giá một căn hộ ở Thâm Quyến, nơi được coi là “Thung lũng Silicon” của Trung Quốc, gấp 43,5 lần mức lương trung bình của một cư dân tính đến tháng 7/2021.

Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau đã hứa sẽ ban hành quy định cấm người nước ngoài mua nhà tại đây trong vòng 2 năm nếu ông tái đắc cử.

Tỷ lệ giá nhà so với thu nhập tại các quốc gia OECD giữa năm 1995 và 2020

Đại dịch đã khiến thị trường nhà ở toàn cầu ghi nhận những kỷ lục mới trong suốt 18 tháng qua nhờ sự kết hợp của lãi suất cực thấp, hoạt động xây dựng đình trệ, thay đổi trong chi tiêu hộ gia đình và nguồn cung nhà ở cạn kiệt. Thị trường đang có lợi cho chủ nhà, nhưng lại đặt gánh nặng ngày càng tăng lên người mua có nhu cầu ở thực.

Tại Mỹ, giá nhà đang cao hơn 30% so với mức đỉnh của thị trường vào giữa những năm 2000. Trong khi đó, các chính sách của chính phủ nhằm cải thiện khả năng chi trả cho nhà ở và thúc đẩy sở hữu nhà lại đẩy giá lên cao và gây khó khăn hơn cho những người mua nhà lần đầu. Kết quả là, quyền sở hữu nhà ở giữa các thế hệ tại Mỹ ngày càng cách biệt. Baby Boomer đang sở hữu nhiều nhà nhất, còn Millennial và Gen Z đang phải chật vật mới mua được nhà.

Các khoản nợ mua nhà ở hiện tại có thể gieo mầm cho cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo nếu chi phí vay bắt đầu tăng. Bloomberg Economics đã đưa ra danh sách các quốc gia có nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản cao nhất. Đồng thời cảnh báo rằng các chỉ số đang cho thấy nguy cơ về nguy cơ bong bóng nhà ở lớn nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Chính phủ Thụy Điển sụp đổ vào tháng 6/2021 sau khi bác bỏ yêu cầu của đảng cánh tả liên quan đến việc kiểm soát giá thuê bất động sản và thay vào đó, cho phép giá thuê thả nổi theo thị trường.

Nhiều chuyên gia nhận định nhà ở đang trở thành một vấn đề chính trị và thị trường nhà ở đang xáo trộn nền chính trị của nhiều quốc gia. Các câu chuyện dưới đây tại từng quốc gia sẽ cho thấy rõ hơn quan điểm trên.

Argentina

Với mức lạm phát hàng năm khoảng 50%, người Argentina không lạ gì với việc tăng giá nhà. Nhưng đối với những cư dân tại Buenos Aires, việc tăng tiền thuê nhà đang gây thêm áp lực kinh tế và kéo theo đó là sự bất mãn về chính trị.

Tiền thuê nhà tại một số nơi tăng gấp 3 lần trong đại dịch và các chi phí khác cùng tiền thuê nhà có thể chiếm tới 40% thu nhập của một số người dân. Hệ quả là, người trẻ giờ đây khó có thể lập kế hoạch tương lai hay ước mơ về việc sở hữu nhà. Vấn đề về nhà ở mang tính chính trị ngày càng lớn với thế hệ trẻ.

Luật do liên minh của Tổng thống Alberto Fernandez thông qua nhằm trao quyền nhiều hơn cho những người thuê nhà. Theo quy định mới, các hợp đồng kéo dài hai năm nay được gia hạn thành ba năm. Ngân hàng trung ương sẽ quyết định giá thuê trong năm thứ hai và ba thông qua một chỉ số.

Tuy nhiên, luật này đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Nhiều chủ nhà tăng giá cho thuê ngay từ năm đầu để né quy định. Nhiều người khác chấm dứt cho thuê nhà. Hệ quả là, cả giá thuê nhà và nguồn cung nhà cho thuê đều sụt giảm.

Nhiều người cho rằng các quy định về nhà ở hiện nay tại Argentina ngày càng không chắc chắn. Nếu chính phủ không kiểm soát thị trường nhà ở tại những thành phố như Buenos Aires, thì chỉ người giàu mới có thể sống được tại đây.

Úc

Nhiều người trẻ tại Úc đang sợ rằng mình sẽ là thế hệ đầu tiên tại quốc gia này phải ở nhà thuê cả đời. Giá nhà tăng điên cuồng đã khiến nhiều người trẻ phải chuyển về sống cùng bố mẹ trong đại dịch. Điều này gây ra căng thẳng tinh thần và các vấn đề xã hội khác.

Chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Scott Morrison đã công bố "kế hoạch toàn diện về khả năng chi trả nhà ở" thuộc ngân sách năm 2017-2018, bao gồm 1 tỷ đô la Úc (728 triệu đô la) để thúc đẩy nguồn cung nhà ở. Nhưng kế hoạch này vẫn chưa tạo ra được tác động mạnh mẽ.

Canada

Giải quyết khả năng chi trả nhà ở trở thành ưu tiên trong các cuộc bầu cử liên bang tại Canada, khi nhiều người dân cho rằng đây là một trong những cuộc khủng hoảng nhà ở tồi tệ nhất ở Canada.

Vài ngày sau khi kêu gọi một cuộc bầu cử, Thủ tướng Justin Trudeau đã công bố kế hoạch cấm người nước ngoài mua nhà trong vòng hai năm. Những người theo đuổi chủ nghĩa tự do của ông cũng hứa hẹn sẽ xem xét lại giá nhà “leo thang” ở các thị trường bao gồm Vancouver và Toronto để kiềm chế đầu cơ.

Trong khi đó, đối thủ của ông ở Đảng bảo thủ Erin O’Toole cam kết xây dựng một triệu ngôi nhà trong ba năm để giải quyết “cuộc khủng hoảng nhà ở”. Còn Tân lãnh đạo Đảng Dân chủ Jagmeet Singh muốn đánh thuế 20% đối với người mua nước ngoài để chống lại cuộc khủng hoảng mà ông gọi là “ngoài tầm kiểm soát”.

Sarah Wardroper, một bà mẹ đơn thân 32 tuổi của hai cô con gái trẻ, làm việc bán thời gian và thuê nhà ở khu trung tâm phía đông thành phố Hamilton. Cô hoan nghênh lời hứa hạn chế người nước ngoài mua bất động sản tại Canada để đầu tư. Nhưng cô không cho rằng các biện pháp mà các chính trị gia đang hứa hẹn có thể ngăn cản chủ nhà cho thuê nhà hay kế hoạch nhà ở giá rẻ sẽ hiệu quả. Cô cho rằng các giải pháp này mang tính ngắn hạn, bởi vấn đề thực sự là “nền kinh tế mất kiểm soát đến mức chi phí sinh hoạt nói chung đã tăng vọt”.

Singapore

Năm 2011, dư luận xôn xao về giá nhà tăng cao của Singapore là một trong những nguyên nhân khiến đảng cầm quyền đạt kết quả bầu cử quốc hội tồi tệ nhất sau hơn 5 thập kỷ lãnh đạo.

Giá nhà riêng tại Singapore đang tăng cao nhất trong vòng hai năm. Trong nửa đầu năm 2021, những người mua nhà, bao gồm cả những người nước ngoài siêu giàu, đã đổ hơn 32,9 tỷ đô la Singapore (24 tỷ đô la), vào bất động sản tại quốc gia này. Con số này gấp đôi kết quả của thị trường nhà ở tại Manhattan, Mỹ trong cùng thời kỳ.

Gần 80% người dân Singapore sống trong các dự án nhà ở công cộng. Tuy nhiên, mô hình này đang chịu nhiều thách thức khi người dân đổ xô bán lại nhà ở để thu lợi nhuận. Trong 5 tháng đầu năm nay, 87 căn hộ công cộng đã được bán lại với giá 1 triệu đô la Singapore, một mức giá khiến những người tương đối giàu có cũng phải e ngại.

Nydia Ngiow, Giám đốc cấp cao tại công ty tư vấn chính sách chiến lược BowerGroupAsia, cho biết: “Hầu hết người Singapore đều khao khát sở hữu bất động sản của riêng mình. Sự khan hiếm nhà ở và giá cả đều đang tăng vọt. Nếu không được giải quyết, vấn đề này “có thể tạo ra sự oán giận lâu dài đối với đảng cầm quyền”.

Ireland

Ireland vẫn còn bị ám ảnh bởi bong bóng nhà đất nổ tung trong cuộc khủng hoảng tài chính trước đây. Tình trạng thiếu nhà giá rẻ đồng nghĩa với việc giá cả lại tiếp tục tăng cao.

Cuộc thăm dò gần đây nhất vào tháng 6 cho thấy giá nhà là vấn đề có nhiều khả năng ảnh hưởng đến phiếu bầu của người dân trong cuộc tổng tuyển cử tới. Điều này lý giải tại sao Sinn Fein, một đảng cánh tả rất nhỏ, lại giành chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử lập pháp năm ngoái của Ireland trước hai chính đảng truyền thống là Fine Gael và Fianna Fail.

Kerrane, người đại diện cho khu vực quốc hội Roscommon-Galway của đảng Sinn Fein, cho biết: “Nhà ở chắc chắn là một vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử và tôi nghĩ rằng các chính sách và tham vọng về nhà ở của chúng tôi đóng một vai trò quan trọng trong thành công của cuộc bầu cử”.

Sinn Fein đã đề xuất xây dựng 100.000 ngôi nhà xã hội và giá cả phải chăng, cấm trục xuất người thuê ra khỏi nhà và tăng tiền thuê nhà, đồng thời giới hạn lãi suất vay thế chấp mua nhà.

Kerrane nói: “Rất ít hộ gia đình không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nhà ở”.

Vấn đề nhà ở cũng trở thành cuộc chạy đua giữa các đảng để thu hút cử tri. Ngày 2/9 vừa qua, chính phủ liên minh của Ireland đã cam kết sẽ chi hơn 4 tỷ Euro (4,7 tỷ đô la) mỗi năm để tăng nguồn cung nhà ở. Đây là mức chi cao nhất từ ​​trước đến nay của chính phủ vào nhà ở xã hội và giá cả phải chăng.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME