NoiThatXhome.vn - Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, đẩy mạnh đầu tư công đang được xem là giải pháp quan trọng để chặn đà suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành và địa phương mới giải ngân được gần 29% lượng vốn đầu tư công theo kế hoạch. Trong khi đó, năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020.

NoiThatXhome.vn có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu Quản trị và Chính sách công (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), về vấn đề này.

TS Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu Quản trị và Chính sách công (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Theo ông, nguyên nhân của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, “có tiền mà không tiêu được” xuất phát từ đâu?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Rất khó đưa ra câu trả lời khái quát cho hiện tượng này bởi đến nay, theo tôi thấy, thì cũng chưa có một cuộc khảo sát toàn diện nào về tình trạng chậm giải ngân đầu tư công cho giai đoạn 2016-2020. Các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý cũng chỉ nêu ra một số nguyên nhân chung có thể khiến việc giải ngân bị chậm chễ, như: các quy định, thủ tục chặt chẽ về đầu tư công, ý thức trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo và quản lý tại các cơ quan được giao nhiệm vụ giải ngân, sự thay đổi tình hình thực tế và nhu cầu của đơn vị tiếp nhận đầu tư công, hoặc chất lượng, tính khả thi của dự án đầu tư công….

Lại có câu chuyện một số đơn vị xin trả lại vốn đầu tư công đã được phân bổ cho năm 2020. Ông nhận định thế nào về hiện tượng này?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Đây là hiện tượng có vẻ rất “ngược đời” bởi để được phân bổ nguồn lực đầu tư công thì các đơn vị đều phải mất thời gian chuẩn bị dự án và thực hiện các quy trình, thủ tục phức tạp xin cấp ngân sách. Bây giờ được cấp rồi lại xin trả lại thì về hình thức là rất khó giải thích. Cần phải tìm hiểu từng trường hợp thì mới có thể biết được nguyên nhân.

Ngược lại, có những nơi rất tích cực giải ngân. Chẳng hạn như mới đây, tỉnh Nghệ An đã đầu tư 12,6 tỷ đồng để xây 67 chuồng bò cho người dân tộc thiểu số Ơ đu để phát triển kinh tế. Trong đó, có công trình tiêu tốn kinh phí lên đến 236 triệu đồng. Ông đánh giá thế nào về việc giải ngân vốn đầu tư công như thế này?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Rất khó giải thích việc sử dụng ngân sách công như vậy ở Nghệ An. Nếu để giúp người dân nghèo vùng sâu vùng xa phát triển kinh tế thì xây chuồng bò đâu phải là giải pháp hiệu quả để mà ưu tiên. Tôi thấy ở đây có biểu hiện của sự thiếu tính toán thấu đáo, dẫn đến lãng phí, kém hiệu quả trong sử dụng vốn đầu tư công. Còn những động lực nào khác khiến họ tích cực giải ngân như vậy thì phải tìm hiểu kỹ mới kết luận được.

Ông dự báo đầu tư công năm nay có thể thực hiện và giải ngân như thế nào, tác động gì đến tăng trưởng kinh tế?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Cũng như nền kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam đang phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch cúm Covid–19. Trong tình hình khó khăn hiện nay, đầu tư công được xác định là một trụ cột để vực dậy nền kinh tế. Cũng vì thế, lãnh đạo chính phủ đã rất quyết liệt tìm nhiều biện pháp để thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, việc giải ngân được nốt khoảng 70% lượng vốn đầu tư công của năm 2020 trong 06 tháng cuối năm sẽ là một thách thức rất lớn. Bên cạnh một số nguyên nhân mà chúng ta đã nói nhiều thì bối cảnh nửa cuối năm sẽ có những tác động nhất định. Đặc biệt là các địa phương, bộ, ngành sẽ bận rộn với đại hội Đảng các cấp trên cơ sở, hướng đến đại hội toàn quốc vào đầu năm tới. Đây là yếu tố bối cảnh hẳn sẽ có những tác động nhất định đến việc giải ngân vốn đầu tư công. Nếu đầu tư công vẫn trì trệ như hiện nay thì sẽ không tạo ra được những cú hích cho nền kinh tế, kết quả tăng trưởng kinh tế của chúng ta năm nay sẽ bị ảnh hưởng.

Theo ông, đâu là bản chất của hiện tượng đình trệ đầu tư công hiện nay?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Theo tôi bản chất sâu xa có phần liên quan đến việc ra quyết định trong khu vực công. Quyết định của các nhà lãnh đạo, quản lý khu vực công trước hết có ảnh hưởng đến người khác, chứ không phải bản thân họ. Như vậy, một quyết định giải ngân sẽ phục vụ lợi ích công, lợi ích của cộng đồng, chứ không trực tiếp đem đến lợi ích kinh tế cho bản thân người ra quyết định. Tuy nhiên, nếu sai phạm hoặc kém hiệu quả thì cá nhân người ra quyết định lại phải chịu trách nhiệm, cả về chính trị và pháp lý.

Trong mỗi người đều có bản năng vị kỷ. Khi người ra quyết định cảm thấy quyết định của họ có thể đem lại lợi ích cho cộng đồng nhưng lại không có lợi, thậm chí gây nhiều rủi ro cho bản thân thì họ sẽ không hành động. Nếu người ta thấy nhiều rủi ro tiềm ẩn cho mình thì người ta sẽ phải chần chừ. Thế cho nên, theo logic duy lý, người ta sẽ cân nhắc lợi và thiệt.

Liên quan đến hệ thống quản trị, để khuyến khích cán bộ công quyền lăn xả thì một yếu tố then chốt là cơ chế thưởng – phạt phải rõ ràng. Khi người ta lăn xả làm việc và cống hiến, thì phần thưởng dành cho họ là gì và nếu không làm hoặc làm kém thì sẽ bị phạt ra sao, các hình thức trừng phạt tương xứng hay chưa. Tôi cho rằng, hiện nay cơ chế thưởng – phạt chưa thực sự rõ ràng, do đó có không gian cho sự chần chừ. Khi mà làm tốt chưa chắc đã được thưởng và làm dở chưa chắc đã bị trừng phạt thì rất khó khích lệ tính trách nhiệm của người ra quyết định.

Tất nhiên, để tìm ra nguyên nhân phải có khảo sát, đánh giá. Một điều cần quan tâm với hệ thống quản trị là trong tình huống khó khăn thì đòi hỏi đạo đức, trách nhiệm công vụ, tinh thần vì lợi ích công, bản lĩnh dám nghĩ dám làm vì tập thể. Mọi khó khăn đều có thể vượt qua nếu khích lệ được tinh thần vì lợi ích công.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khơi dậy, khích lệ tính trách nhiệm, tính danh dự, tinh thần dám hành động của cán bộ khu vực công mỗi khi gặp khó khăn. Theo tôi thì đó là thách thức về một hệ thống thể chế Thưởng – Phạt rõ ràng, hiệu lực để ý thức trách nhiệm, tinh thần lăn xả lúc khó khăn phải trở thành một phẩm chất tự nhiên của mỗi cán bộ công quyền.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME