Dự án giải quyết ngập do triều cường cùng nhiều dự án giao thông trọng điểm khác của Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang gặp vướng mắc trong quá trình triển khai cần được nhanh chóng giải quyết.

Công trình cống ngăn triều Mương Chuối thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư, hoàn thành và đưa vào sử dụng, khai thác nhiều dự án trọng điểm, góp phần quan trọng trong việc xây dựng và chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên hiện vẫn còn một số dự án lớn đang gặp vướng mắc trong quá trình triển khai, cần được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhanh chóng xử lý, giải quyết dứt điểm để phát huy tối đa nguồn vốn đầu tư công.

Thúc tiến độ dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao), tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng do Trung Nam Group làm chủ đầu tư gần về tới đích khi tiến độ xây dựng đạt 93%.

Tuy nhiên hiện nay dự án đang tạm ngừng do phụ lục hợp đồng chưa được ký kết trong khi hiệu lực tái cấp vốn đã hết vào ngày 30/9/2020.

Để giải quyết các vướng mắc, ngày 15/11/2020, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 9562/VPCP-KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao “Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan.”

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10/12/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 8188/BKHĐT-QLĐT đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thông tin, hồ sơ tài liệu về toàn bộ quá trình, nội dung và kết quả nghiệm thu công trình mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện đối với dự án.

Một ngày sau đó, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có Thông báo số 30-TB/TU, thống nhất nguyên tắc triển khai dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về gia hạn giải ngân cho dự án; giao Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo Ủy ban Nhân dân thành phố làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thống nhất các thủ tục, tiếp tục gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn cho dự án theo đúng quy định của pháp luật, đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đúng kế hoạch triển khai và tiến độ hoàn thành dự án.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp và các sở, ngành có liên quan tiếp tục rà soát các vấn đề pháp lý, quy định liên quan dự án, tham mưu cho Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền của Thành phố đối với việc triển khai dự án và đề xuất các giải pháp triển khai trong thời gian tới.

Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng giao Đảng đoàn Hội đồng nhân dân Thành phố phối hợp với Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân Thành phố thảo luận, thống nhất phương án bố trí kế hoạch vốn để thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT, các phụ lục hợp đồng đã cam kết để hoàn trả vốn vay cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngày 14/12/2020 Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có Thông báo số 20-TB/VPTU nêu rõ Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân Thành phố triển khai chưa đảm bảo yêu cầu tiến độ kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy, chậm hoàn thiện tờ trình của Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân Thành phố về nội dung giải quyết các vướng mắc của dự án để trình Ban Thường vụ Thành ủy kết luận.

Ban Thường vụ Thành ủy giao Bí thư Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân Thành phố khẩn trương hoàn thiện văn bản báo cáo ngay Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó nêu rõ các vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề xuất quan điểm, phương án xử lý của thành phố, để cơ cơ sở tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên đến nay, các khó khăn, vướng mắc vẫn chưa được giải quyết, dự án đã tạm ngừng thi công. Tại Văn bản số 1253/020/CV/TNBT1547 ngày 29/12/2020 gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung Nam BT 1547 (doanh nghiệp làm dự án) cho biết, thời gian thực hiện hợp đồng đã hết vào ngày 26/6/2020 nhưng đến nay Ủy ban Nhân dân thành phố vẫn chưa ký kết phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng.

Nhà đầu tư lúng túng không biết phải xử lý tình trạng này, trong khi mỗi này thiệt hại do việc chậm ký phụ lục hợp đồng BT và chậm bố trí vốn thanh toán cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là rất lớn.

Điều chỉnh thủ tục nhiều dự án hạ tầng

Không chỉ dự án chống ngập quy mô gần 10.000 tỷ đồng đang bị “ách” mà nhiều dự án giao thông trọng điểm khác cũng trong cảnh tương tự.

Đơn cử là dự án BOT tuyến đường nối Đại lộ Võ Văn Kiệt với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương (dài 2,7km, tổng mức đầu tư hơn 1.557 tỷ đồng) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh làm chủ đầu tư.

Hiện nay, dự án đã tạm ngưng và được đề xuất chấm dứt hợp đồng do chủ đầu tư yếu kém năng lực tài chính, vi phạm hợp đồng BOT.

Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã vi phạm hợp đồng BOT dẫn tới việc giải ngân thấp, chưa hoàn thành mặc dù thời gian dự án đã kết thúc.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh có thư bảo lãnh cho chủ đầu tư.

Phía Sở Giao thông Vận tải cũng đã yêu cầu chủ đầu tư cung cấp, báo cáo về năng lực tài chính, khả năng thu xếp vốn để thực hiện tiếp hợp đồng dự án và bảo lãnh thực hiện hợp đồng, tuy nhiên chủ đầu tư không thực hiện đề nghị này.

“Việc xử lý vi phạm hợp đồng BOT dự án này là chưa trường hợp chưa có tiền lệ, liên quan đến nhiều lĩnh vực về tư pháp, tài chính, đầu tư, mức độ phức tạp có thể xảy ra trong quá trình xử lý tiếp nhận dự án, chấm dứt hợp đồng. Vì thế để đảm bảo chặt chẽ thủ tục pháp lý, tránh khiếu nại, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố thủ tục tiếp nhận dự án, thủ tục chấm dứt hợp đồng BOT với chủ đầu tư,” đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.

Một dự án giao thông khác đang được điều chỉnh thủ tục đầu tư và các pháp lý liên quan là dự án xây dựng cầu mới Tân Kỳ Tân Quý và dự án xây dựng liên tỉnh lộ 25B.

Cụ thể, dự án cầu mới Tân Kỳ Tân Quý (tổng mức đầu tư 312 tỷ đồng) là dự án được bổ sung vào dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn An Sương-An Lạc và các công trình xây dựng bổ sung do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO-IDI làm chủ đầu tư.

Vào tháng 8/2019 Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán và kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra, xử lý việc phê duyệt quyết định đầu tư hạng mục bổ sung xây dựng mới cầu Tân Kỳ Tân Quý sử dụng nguồn vốn thu phí dự án BOT để hoàn vốn trên cơ sở phải đảm bảo nguyên tắc công bằng đối với người tham gia giao thông sử dụng dịch vụ phải trả phí theo quy định.

Thực hiện kết luận này, dự án đã tạm ngưng (đã thi công được 70% khối lượng) để hoàn thiện thủ tục chuyển đổi hình thức đầu tư.

Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận cho Công ty IDICO-IDI thực hiện bổ sung một số công trình và hoàn vốn bằng cách kéo dài thời gian thu phí.

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ dự án, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư dự án xây dựng cầu mới Tân Kỳ Tân Quý từ hình thức BOT sang thành đầu tư công từ nguồn ngân sách thành phố.

Trong khi đó, dự án liên tỉnh lộ 25B là tuyến huyết mạch dẫn vào cảng Cát Lái, thành phố Thủ Đức (quận 2 cũ) thuộc Thành phố Hồ Chí Minh do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (công ty CII) làm chủ đầu tư.

Ban đầu dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức BT, sau đó Thành phố Hồ Chí Minh chuyển sang hợp đồng ứng vốn.

Dự án triển khai năm 2009 và hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2012. Tuy nhiên phải đến năm 2017 dự án mới được Ủy ban Nhân dân thành phố phê phê duyệt quyết toán với giá trị gần 713 tỷ đồng.

Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước kiểm toán và kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo Chính phủ về việc thay đổi hình thứ đầu tư dự án đường liên tỉnh lộ 25B từ hình thức BT sang hình thức ứng vốn nhằm đảo bảo thủ tục pháp lý của dự án theo quy định.

Vào ngày 25/9/2020, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 8079/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong đó có Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh rà soát toàn bộ cơ sở pháp lý, quá trình triển khai dự án, kiến nghị biện pháp xử lý cụ thể.

Thực hiện chỉ đạo này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã báo cáo giải trình với Thủ tướng Chính phủ đồng thời kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét quá trình triển khai, hiệu quả đầu tư dự án trong bối cảnh giao thông kết nối với cảng biển trên địa bàn Thành phố thường xuyên bị ùn tắc, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, tác động tiêu cực đến hoạt động cảng biển và phát triển kinh tế vào thời điểm triển khai dự án.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến đường liên Tỉnh lộ 25B đã giải quyết lưu thông trung bình khoảng 20.000 lượt xe ngày đêm (chủ yếu là cảng Cát Lái), góp phần kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, phát triển kinh tế xã hội.

Chi phí đầu tư dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quyết toán theo quy định, kết quả thanh tra và kiểm toán cũng không có kết luận về thất thoát, lãng phí.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME