Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được làm đô thị thông minh kiểu phong trào
'Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá, góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia', Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai từ phải sang) tìm hiểu về những ứng dụng phát triển smart city của các doanh nghiệp công nghệ Việt - Ảnh: VIỆT DŨNG
Phát biểu tại phiên toàn thể của Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh ASEAN (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020) do Ban Kinh tế trung ương và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức tại Hà Nội chiều 22-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phát triển đô thị thông minh thực sự là một "cuộc chơi lớn", trong đó cần có những "người cùng chơi" có tầm nhìn và tiềm lực.
Theo Thủ tướng, phát triển đô thị thông minh không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên hiệu quả, mà còn có thể định hướng, dự báo được các vấn đề rủi ro, nguy cơ một cách chính xác hơn, nhanh chóng hơn, từ đó tăng khả năng thích ứng, tự phục hồi của xã hội và đô thị.
"Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia" - Thủ tướng phát biểu.
Qua các ý kiến thảo luận tại Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh ASEAN 2020, có thể thấy các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo quản lý các bộ ngành từ xây dựng đến thông tin và truyền thông, giao thông vận tải… đã có cùng quan điểm. Đó là để giải quyết những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển của các đô thị tại Việt Nam trong thời gian qua cũng như trong tương lai gần, một giải pháp quan trọng là cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, phát triển đô thị.
Ông Trương Gia Bình, chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, nhận định: "Thành phố thông minh là cách lựa chọn duy nhất thông minh để phát triển kinh tế xã hội quốc gia" .
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý: "Phát triển đô thị thông minh phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình".
Thủ tướng yêu cầu phải phát triển đô thị thông minh theo hướng "Đô thị thông minh phải là đô thị của chính người dân, doanh nghiệp tạo nên" - Ảnh: VIỆT DŨNG
Thủ tướng nhấn mạnh một nội dung là phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình phát triển đô thị Việt Nam.
"Các địa phương, cùng với phát triển các tiện ích thông minh, cần chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ đưa ra các quyết định thông minh; thúc đẩy quy hoạch và các giải pháp quản lý đô thị thông minh" - người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phát triển đô thị vẫn là một kênh tăng trưởng quan trọng của quốc gia, nhưng "đô thị thông minh phải là đô thị của chính người dân, doanh nghiệp tạo nên, là đô thị có quan hệ xã hội tốt đẹp, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, quan hệ con người với con người nhân văn".
Vì vậy, Việt Nam cũng chọn hướng phát triển đô thị thông minh để tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tốt hơn, hiệu quả hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet