Theo giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, toàn tỉnh hiện còn 24 khu quy hoạch "treo".

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Cụ thể, các khu quy hoạch chậm triển khai như quy hoạch xây dựng Công viên Ngự Bình; mở rộng xây dựng Đại học Huế; xây dựng Khu dân cư Nam Vỹ Dạ; xây dựng khu Trung tâm văn hoá phía Tây Nam thành phố Huế.

Bên cạnh đó, khu quy hoạch xây dựng các đô thị mới như Khu dân cư Kiểm Huệ, khu dân cư Thủy Xuân, khu đô thị mới An Cựu, khu đô thị mới Đông Nam Thủy An... cũng thuộc diện trên. Trong đó, nhiều quy hoạch được triển khai từ năm 2002 nhưng hiện vẫn "án binh bất động", làm ảnh hưởng cuộc sống của hàng trăm hộ dân cư trong vùng.

Điển hình, quy hoạch chi tiết xây dựng Công viên Ngự Bình được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt năm 2002. Các đơn vị liên quan đã xây dựng cơ bản một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật, các khu chức năng và lắp đặt thiết bị trò chơi nhưng chậm và không có khả năng tiếp tục. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có hướng giải quyết cho phép Đại học Huế điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Đại học Huế theo hướng mở rộng, bao gồm cả khuôn viên đất công viên.

Tuy nhiên, từ bấy đến nay, toàn bộ khuôn viên Công viên Ngự Bình đều bỏ hoang. Các dự án khu đô thị mới như khu dân cư Kiểm Huệ, khu dân cư Thủy Xuân, khu Đô thị mới An Cựu, khu Đô thị mới Đông Nam Thủy An, khu đô thị mới Mỹ Thượng, khu dân cư trục Quốc lộ 1A - Tự Đức, tuy đang trong quá trình triển khai thực hiện, nhưng tiến độ ì ạch.

Dự án xây dựng sân golf và Làng du lịch sinh thái phong cảnh Việt được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt đầu tư tại phường Thuỷ Dương, thị xã Hương Thuỷ, một vị trí nằm cách trung tâm thành phố Huế chưa đầy 10 km về phía Đông Nam rất thuận tiện thu hút khách du lịch đến với Cố đô Huế.

Dự án có diện tích quy hoạch là 145,9 ha, bao gồm các hạng mục xây dựng sân golf 36 lỗ, 4 nhà câu lạc bộ khách sạn, 50 quầy dịch vụ (1 tầng), 7 khu làng sinh thái, 2 khu vui chơi giải trí dân gian...phục vụ từ 300-500 khách/ngày, với tổng mức đầu tư 237,3 tỉ đồng.

Theo dự kiến, sau khi dự án hoàn thành, phường sẽ mất đi gần 30ha diện tích đất trồng cây hàng năm, hơn 76ha rừng trồng sản xuất, 14ha đất nghĩa địa... Nhiều lần cử tri phường Thuỷ Dương đã kiến nghị tỉnh Thừa Thiên-Huế nên chuyển vị trí sân golf và Làng du lịch sinh thái phong cảnh Việt vào sâu hơn trong vùng phía Tây của xã tránh đảo lộn đến quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, cũng như nơi ăn ở của nhiều hộ dân cư trên địa bàn. Nhưng, những kiến nghị hợp lý này vẫn chưa được xem xét; trong khi hơn 10 năm qua, dự án vẫn ở dạng quy hoạch "treo".

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức nhiều cuộc họp giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thi công và yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương triển khai, hoàn thành sớm các dự án nêu trên.

Tuy nhiên, vấn đề thiếu vốn chưa được giải quyết nên khó có thể khắc phục ngay. Điển hình, chỉ riêng việc giải quyết vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng Đại học Huế bước 2 (giai đoạn 1) tại phường An Tây và phường An Cựu, thành phố Huế, sau gần 10 năm (từ 2004-2014) vẫn chưa thống nhất được chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng.

Gần đây nhất, ngày 16/10/2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế chủ trì làm việc với các ngành liên quan mới thống nhất được về mặt nguyên tắc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư xây dựng Đại học Huế theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 tại phường An Tây và phường An Cựu thành phố Huế trong giai đoạn 2015-2016./.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME