TP.Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp phát triển nhà ở xã hội
Ngày 23-3-2012, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2011, triển khai kế hoạch 2012 của Ban chỉ đạo Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản TP.HCM (BCĐ CSNO & TTBĐS). Tại hội nghị những tồn tại cũng như những giải pháp phát triển nhà ở xã hội, khơi thông thị trường bất động sản đã được các đại biểu phân tích cùng với các đề xuất, kiến nghị.
Ngày 23-3-2012, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2011, triển khai kế hoạch 2012 của Ban chỉ đạo Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản TP.HCM (BCĐ CSNO & TTBĐS). Tại hội nghị những tồn tại cũng như những giải pháp phát triển nhà ở xã hội, khơi thông thị trường bất động sản đã được các đại biểu phân tích cùng với các đề xuất, kiến nghị.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng tại hội nghị, tính đến 31-12-2011, thành phố có 163 dự án hoàn thành cung cấp cho thị trường 41.378 căn hộ nhưng tỷ lệ căn hộ bình dân dành cho đối tượng thu nhập thấp chỉ chiếm khoảng 33,6%. Trong khi đó nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp lại rất lớn, các giao dịch thành công trên thị trường chủ yếu tập trung ở phân khúc căn hộ bình dân có giá từ 11-15 triệu đồng/m2. Dự kiến năm 2012 sẽ có thêm 27.722 căn hộ được hoàn thành từ các dự án bị trì hoãn trong những năm trước. Nguồn cung mới cộng với lượng căn hộ còn tồn sẽ tạo áp lực lớn lên thị trường bất động sản thành phố trong năm 2012. Tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng đối với cho vay bất động sản tại TP.HCM gia tăng dần từ 2,47% vào tháng 1-2011 lên 4,08% trong tháng 6-2011. Tình hình năm 2012 không khả quan hơn khi thị trường bất động sản đình trệ, khả năng thu hồi vốn khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay cho ngân hàng. Ông Nguyễn Hữu Tín – Phó Chủ tịch UBNDTP cho biết, thành phố đã có chủ trương mua lại các căn hộ phù hợp từ các dự án thương mại nhằm tạo ngay quỹ nhà cho thành phố. Điều này sẽ góp phần giúp thị trường bất động sản thành phố có những chuyển động tích cực hơn.
Về quy định các dự án có quy mô từ 10ha trở lên phải dành 20% diện tích đất ở của dự án để xây dựng nhà ở xã hội, ông Nguyễn Tấn Bền - GĐ Sở Xây dựng kiến nghị, đối với doanh nghiệp có nhiều dự án, thay vì dành mỗi nơi 1ha, 2ha thì có thể cho doanh nghiệp được gộp lại thực hiện nghĩa vụ ở một dự án. PCT Nguyễn Hữu Tín khẳng định, điều này thuộc thẩm quyền thành phố nên doanh nghiệp có thể thực hiện như vậy hoặc có thể quy đổi và nộp bằng tiền, thành phố dùng nguồn tiền đó phát triển nhà ở xã hội. Về vấn đề này Bộ Xây dựng cũng đang trình Chính phủ bỏ quy định hạn mức 10ha, để tất cả các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có nghĩa vụ chung tay với chính quyền phát triển nhà ở xã hội.
Đối với việc đầu tư xây dựng ký túc xá cho học sinh, sinh viên, thành phố đã có những ưu tiên trong bố trí vốn đầu tư. Trong năm 2011, nguồn vốn trái phiếu chính phủ phân bổ cho thành phố thực hiện đầu tư các dự án xây dựng ký túc xá sinh viên là 202 tỷ đồng, trong khi nhu cầu là 1.794,9 tỷ đồng. Thành ủy và UBNDTP đã quyết định cho 4 chủ đầu tư gồm Đại học Quốc gia thành phố, ĐH Sư phạm kỹ thuật thành phố, ĐH Văn hóa thành phố cơ sở 2, trường Giao thông vận tải cơ sở 2 mượn 441 tỷ đồng từ nguồn vốn cắt giãn tiến độ của các dự án khác để đảm bảo công trình thi công liên tục không bị gián đoạn vì thiếu vốn. Đối với việc xây dựng nhà ở cho công nhân, thành phố kiến nghị Chính phủ cho phép các dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân đang làm việc trong và ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi theo Quyết định 66 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời bổ sung các quy định trong Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp về ưu đãi thuế giá trị gia tăng và miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, nhà ở thu nhập thấp để các chính sách hỗ trợ của Chính phủ triển khai có hiệu quả.
Qua sự kiện dự án 3.000 căn hộ cho người có thu nhập thấp do Công ty Becamex - Bình Dương vừa khởi công với giá bán 90 triệu đồng/căn 30m2 và được trả chậm trong 3 năm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản cho rằng, đây là bước đột phá để hiện thực hóa giấc mơ có nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị và cần nhân rộng trên cả nước. Từ đó, ông Lê Hoàng Châu đề nghị UBNDTP cho phát triển các khu dân cư với nhiều căn hộ nhỏ dành cho hộ độc thân, hộ có 1,2 người quy mô từ 20-70m2. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBNDTP Lê Hoàng Quân - Trưởng ban chỉ đạo BCĐ CSNO & TTBĐS thì các căn hộ nhỏ không phù hợp với thành phố, diện tích thấp nhất theo quy định của nhà ở xã hội là 30m2 trở lên. Để tăng cường các chính sách khuyến khích ưu đãi nhằm đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, BCĐ CSNO & TTBĐS TPHCM kiến nghị Chính phủ cho phép chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội được quyền sử dụng đất của dự án để thế chấp hoặc được sử dụng chính dự án nhà ở xã hội để thế chấp vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Doanh nghiệp được vay lãi suất ưu đãi phù hợp với thời gian thu hồi vốn của dự án 20-40 năm để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê.
Để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, khơi thông thị trường bất động sản, Sở Xây dựng hiện đang triển khai nghiên cứu xây dựng Qũy tín thác đầu tư bất động sản tại TP.HCM nhằm tạo nguồn vốn cho các dự án an sinh xã hội.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet