Cách "ứng xử" với nhà cũ, biệt thự cổ sau sự cố sập nhà ở Cửa Bắc
Sự cố sập nhà nghiêm trọng xảy ra tại ngôi nhà số 43 phố Cửa Bắc, Ba Đình, thành phố Hà Nội vào rạng sáng 4/8 cướp đi sinh mạng của 2 người, làm bị thương nhiều người là lời cảnh báo cho thực trạng xuống cấp của những ngôi nhà cũ, biệt thự cổ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Vậy nên "ứng xử" như thế nào với những ngôi nhà cũ, nhà cổ đã tồn tại hàng trăm năm nay để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, khi chúng góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo cổ kính, nét đặc trưng riêng cho Thủ đô?
Hậu quả từ sự xuống cấp
Là người sinh sống tại khu vực phố cổ Hà Nội, nơi còn hàng nghìn nhà cổ, biệt thự xây từ thời Pháp thuộc và chung cư "già cỗi," ông Phạm Hữu Chấn, một cư dân ở phố Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội, cảm thấy rất bất an khi sống trong khu nhà cổ này.
"Mặc dù hầu hết những ngôi nhà ở khu phố cổ này đều lộ rõ dấu hiệu xuống cấp và đã nằm trong kế hoạch bảo tồn nhưng vấn đề xin sửa chữa bảo dưỡng lại gặp rất nhiều khó khăn," ông Chấn cho hay.
Nỗi lo của ông Chấn là hoàn toàn có cơ sở. Trao đổi với các hộ dân tại khu vực 36 phố cổ, nhiều người cho biết đa phần các ngôi nhà xây dựng ở đây từ trước năm 1954 và thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, đều có chung đặc điểm là nền móng khá thô sơ, chỉ sâu vài chục cm và chỉ đáp ứng được cho một ngôi nhà từ 1 đến 2 tầng.
Trải qua nhiều thập niên sử dụng, nền cốt của những ngôi nhà này đều đã xuống cấp, lại chịu thêm áp lực rất lớn, khi chủ nhà bất chấp thực tế tiến hành cải tạo, cơi nới, chồng tầng lên thêm từ 1 đến 2 tầng.
"Thảm họa" nhà nghiêng, tường đổ có thể xảy đến bất kỳ khi nào. Vụ sập nhà ở 43 phố Cửa Bắc chính là hậu quả từ sự việc này.
Chị Lê Hồng Nhung, thành viên sinh sống trong ngôi nhà số 43 Cửa Bắc, buồn bã nhắc về vụ tại nạn ở chính ngôi nhà mình đang sống. Chiều 2/8, khi chủ nhà số 41 đưa máy móc đến đào móng, chị và chủ nhà số 39 đã sang yêu cầu không được đào móng vì những nhà này đã xây từ lâu, móng rất yếu, nếu đào móng sâu sẽ ảnh hưởng đến các hộ liền kề. Tuy nhiên, đến 22 giờ tối, chủ nhân ngôi nhà này vẫn cố tình cho máy múc đào móng. Khi móng đào sâu hơn 1 mét thì nhà chị Nhung bị sập.
Bà Nguyễn Thị Cúc (một hộ dân ở phố Cửa Bắc) cũng cảnh báo thực tế là nhiều nhà ở phố này xây dựng trên đất mà không đào móng nên mới dễ dàng bị đổ.
"Nhà cao cửa rộng đấy nhưng không biết xảy chuyện lúc nào," bà Cúc nói.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố hiện có khoảng 1.500 nhà biệt thự được phân loại, sắp xếp theo nhóm I, II, III, có quy định cụ thể để thực hiện bảo tồn đối với từng nhóm. Đáng chú ý, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.516 chung cư cũ tập trung ở 26 khu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980, phân bố chủ yếu tại 4 quận nội thành cũ.
Qua quá trình sử dụng, đa số chung cư cũ này đã hết niên hạn sử dụng và bị xuống cấp ở các mức độ khác nhau. Đặc biệt, có 4 công trình nhà tập thể cũ tại quận Ba Đình theo kết quả kiểm định có mức độ nguy hiểm về kết cấu là cấp D, gồm: Tập thể Bộ Tư pháp, phố Kim Mã Thượng; Nhà C8 (đơn nguyên 3) tập thể Giảng Võ; Nhà G6A (đơn nguyên 1, 2) tập thể Thành Công; Nhà A (đơn nguyên 1) tập thể Ngọc Khánh. Đây là các công trình nhà tập thể cũ có mức độ nguy hiểm lớn về kết cấu, rất dễ bị sụp đổ trong trường hợp có thảm họa xảy ra.
Không tùy tiện sử dụng nhà cũ, biệt thự cổ
Theo nhận định của nhiều chuyên gia xây dựng, sự thiếu hiểu biết đầy đủ về ảnh hưởng của quá trình cải tạo, xây mới công trình liền kề đã để lại nhiều bài học đau lòng. Có nhiều sự cố nhà liền kề trong phố bị đổ sập khi có công trình bên cạnh đang thi công khi mà các đô thị ở Việt Nam, đặc biệt là ở các đô thị như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng đều nằm trên vùng có địa chất yếu với tầng bùn rất sâu sau lớp đất sét chịu lực có bề dày từ 3,5m đến 7m.
Các ngôi nhà cũ cỡ 2 đến 3 tầng đều nằm trên các móng nông và truyền tải trực tiếp vào lớp đất này. Sau rất nhiều năm, mất cân bằng giữa khả năng chịu tải của nền và công trình đã ổn định, chỉ cần có một tác động như xây công trình mới hay thậm chí tháo dỡ công trình đang tồn tại, dẫn tới phá vỡ trạng thái cân bằng này.
Nền đất có thể bị chồi lên (khi tháo dỡ công trình) hoặc lún xuống khi công trình mới xuất hiện khiến các công trình liền kề có thể chịu ảnh hưởng. Những công trình liền kề bị ảnh hưởng sẽ xuất hiện các dấu hiệu như nứt, vỡ tường, dầm, sàn hay nghiêng đều xuất hiện trước khi sập đổ.
Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, một biệt thự mà có đến vài chục hộ dân chung sống chính là sự chất tải làm biến dạng biệt thự, chưa kể có những biệt thự lại bị biến thành nhà hàng. Với biệt thự 107 Trần Hưng Đạo bị sập năm 2015, có thể nói, các chủ sở hữu đã coi thường công tác bảo trì hàng năm và tùy tiện trong quá trình sử dụng. Biệt thự mà như nhà tập thể, vừa làm trụ sở làm việc, vừa làm hội trường.
Hay vụ sập ngôi nhà ở 43 phố Cửa Bắc, theo điều tra ban đầu, cũng là do nhà liền kề xây dựng công trình sai phép, thi công không đảm bảo an toàn nên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Vấn đề đặt ra với Hà Nội lúc này là cần có giải pháp gì để quản lý, bảo tồn và cải tạo quỹ nhà biệt thự nói chung hay nhà cũ, nhà chung cư nguy hiểm nói riêng trên toàn thành phố, khi quỹ nhà này đang rất báo động về chất lượng.
Tiến sỹ Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng giải pháp đầu tiên là phải xác định ai là chủ sở hữu. Từ quyền sở hữu mới xác định rõ ràng trách nhiệm quản lý và trách nhiệm người sử dụng. Bởi thực tế, những biệt thự được giao cho cơ quan, sứ quán... thì được quản lý rất tốt vì chỉ có một chủ, còn biệt thự mà có hàng chục hộ ở thì không có người làm chủ, dễ dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc.”
Các nhà cũ, biệt thự cổ bán theo Nghị định 61/CP-TTg cũng phải được quản lý chặt chẽ, không thể để tình trạng mạnh ai nấy cơi nới, sửa chữa, ông Liêm nhấn mạnh.
Từ sự cố tai nạn nghiêm trọng tại ngôi nhà cũ ở 43 phố Cửa Bắc, ông Phạm Minh Hà, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết Cục sẽ kiến nghị với Bộ Xây dựng có biện pháp siết chặt công tác cấp phép xây dựng tại các địa phương, yêu cầu phải đánh giá công tác cấp phép cũng như đánh giá chất lượng của các công trình lân cận để có biện pháp đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp cốt lõi, về lâu dài, các chuyên gia cho rằng Hà Nội phải nhìn nhận vào thực tế việc sử dụng những nhà cũ, nhà cổ trên địa bàn Thủ đô hiện nay. Những ngôi nhà cũ, nhà cổ già nua đang không chỉ phải "oằn" mình lên chịu đựng sự lão hóa của thời gian, mà còn chịu đựng sự "bóc lột" của chính các chủ nhân ngôi nhà, dẫn đến sự quá tải, biến dạng một cách nhanh chóng./.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet