Chấm dứt đặt tên Tây cho nhà ta?
Luật Nhà ở năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định nào về việc đặt tên cho các dự án phát triển nhà ở. Hậu quả là biển hiệu một công ty, một doanh nghiệp thì phải ghi đầy đủ bằng tiếng Việt nhưng tên của một tòa nhà, một dự án phát triển nhà ở thì lại có thể “ngoại ngữ” 100%.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Tên “Tây” có… sức hút lớn?
Ở Hà Nội, hầu hết các khu nhà ở cao tầng đều mang những cái tên ngoại rất kêu như: Pacific Place, Somerset Grand Ha Noi, Dolphin Plaza, Sico Tower, Crowne Plaza Complex, Richland Southern, Handi Resco Tower, The Manor, Keangnam Hanoi Landmark Tower, Ecopark…
Ở TP.Hồ Chí Minh, hiếm hoi mới nhìn thấy các khu nhà ở mang tên Phú Mỹ Hưng, Thuận Kiều, Hùng Vương… còn lại phần lớn cũng là Saigon Paerl, Kumho Asian Plaza, Sunrise City, Dragon City, Kenton Residences…Những cái tên như Ocean Villas, The Pegasus Residen cũng xuất hiện ở Đà Nẵng, Đồng Nai hay bất cứ một thành phố nào đang hối hả đô thị hóa.
Trong khi số người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam mới đếm được trên đầu ngón tay, phần lớn khách hàng mà các chủ đầu tư nhắm đến đều là người Việt Nam thì nguyên cớ gì khiến các chủ đầu tư đua nhau đặt tên dự án của mình bằng tiếng nước ngoài? Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, có hai nguyên nhân khiến nhà đầu tư chọn tên ngoại để đặt cho dự án của mình.
Một là, doanh nghiệp muốn tạo sự chú ý để thu hút khách hàng vì không ít người nghĩ rằng dự án có “mác” ngoại thiết kế hiện đại, chất lượng cao hơn sản phẩm mang “mác” nội.
Hai là, một số chủ đầu tư chưa đủ tự tin về thương hiệu, sản phẩm của công ty mình nên mượn tên ngoại đặt cho dự án.
Còn một khách hàng đã mua nhà ở tại Pacific Place cho biết, đúng là khi mua căn hộ chị cũng có tâm lý cho rằng các tòa nhà có tên nước ngoài thì “đẳng cấp” hơn nên không băn khoăn nhiều về giá cả và chất lượng. Đánh trúng tâm lý này, và cũng phải chạy theo tâm lý khách hàng, nhiều chủ đầu tư ban đầu đã chọn tên Việt cho dự án của mình, nhưng cân đi, đong lại, lại quyết định đổi tên dự án.
“Phải bằng tiếng Việt và không được viết tắt”
Xung quanh việc đặt tên nước ngoài cho các tòa nhà, trung tâm thương mại, khu đô thị mới, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Người thì cho rằng không thể chấp nhận việc trên đất Việt mà cao ốc nào cũng có tên bằng tiếng Anh, mai này con em đi học hỏi nhau ở đâu thì đứa khoe “tớ ở Kenton Residences”, đứa nói “tớ ở Dolphin Plaza”, làm mất bản sắc văn hóa Việt.
Người thì cho rằng đây là việc bình thường nếu nhà đầu tư là các công ty hay tập đoàn nước ngoài. Cũng không nên khắt khe đối với các nhà đầu tư Việt Nam chọn cách đặt tên tòa nhà bằng tiếng nước ngoài để tạo hiệu ứng truyền thông, thu hút khách hàng.
Vấn đề chính, theo phản ánh của các Sở Xây dựng là pháp luật chưa có quy định nào liên quan đến việc đặt tên cho các dự án nhà ở, trung tâm thương mại. Do vậy, trong quá trình cấp phép xây dựng cho các dự án, các Sở không thể buộc chủ đầu tư các dự án phải dùng tiếng Việt và các chủ đầu tư cũng thỏa sức, mạnh ai người ấy chọn tên ngoại ấn tượng cho dự án của mình.
Nhìn thấy rõ vấn đề này, tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến nhân dân, Điều 22 về Nguyên tắc phát triển nhà ở theo dự án đã bổ sung quy định: “Tên của dự án phát triển nhà ở, của khu nhà ở phải sử dụng bằng tiếng Việt Nam và không được viết tắt” (Khoản 3).
Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi cũng quy định các dự án phát triển nhà ở, ngoài việc nghiệm thu, bàn giao nhà ở khi đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng, còn phải được nghiệm thu hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường trước khi đưa vào sử dụng.
Sẽ còn nhiều vấn đề cần phải bàn xung quanh tên của các khu nhà ở tại các đô thị hiện nay, nhưng chắc chắn việc có một quy định cụ thể về cách đặt tên cho các tòa nhà sẽ hạn chế được sự lôm côm, luộm thuộm cho bề mặt các đô thị và cũng sẽ làm giảm bớt tâm lý "sính ngoại" của cả chủ đầu tư và người dân.
“Vẫn phải quy định hài hòa” Luật sư Đỗ Thị Minh Thu (Giám đốc Cty Luật TNHH Minh Thu, Nam Định) cho rằng: Khó có thể cấm nhà đầu tư đặt tên Tây cho dự án nhà ở, cao ốc, vì thực tế có rất nhiều dự án liên doanh với một thương hiệu nước ngoài hoặc tên viết tắt như tiếng nước ngoài. Thực tế, sẽ có nhiều tòa nhà của những thương hiệu 100% Việt nhưng tên viết tắt, tên giao dịch bằng tiếng nước ngoài, chẳng hạn Viglacera, Hapro Vinamilk… Luật sư Minh Thu cho rằng, dù tòa nhà có thể mang tên Tây nhưng nhất thiết Luật Nhà ở phải quy định rõ: bao giờ cũng phải ghi bằng tiếng Việt đầy đủ trước rồi mới ghi tên viết tắt, hoặc bằng tiếng nước ngoài. Chẳng hạn: biển hiệu phải ghi rõ tên tiếng Việt: Tòa nhà tổ hợp Văn phòng nhà ở - dịch vụ X, Y, Z nào đó, sau đó mới ghi tên viết tắt, tên nước ngoài. Thiết nghĩ, việc điều chỉnh lại tên như trên cho các tòa nhà tên Tây cũng không khó. Thực ra, vấn đề quy định bắt buộc phải ghi tên tiếng Việt trước không mới, vì Luật Quảng cáo năm 2012 (có hiệu lực từ 1/1/2013) đã điều chỉnh rất cụ thể vấn đề này. Theo đó, các biển hiện quảng cáo, thương hiệu, nhãn hiệu bắt buộc phải viết tên bằng tiếng Việt đầy đủ trước, sau đó mới là tên bằng tiếng nước ngoài (nếu có). Nghị định 75 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa còn quy định đối với các hành vi: trên biển hiệu của cơ quan, tổ chức Việt Nam không viết bằng chữ Việt Nam mà chỉ viết bằng chữ nước ngoài; thể hiện trên biển hiệu tên riêng, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ nước ngoài ở phía trên tên bằng chữ Việt Nam; thể hiện trên biển hiệu tên gọi, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ nước ngoài có kích thước lớn hơn tên bằng chữ Việt Nam sẽ bị xử phạt từ 3 đến 5 triệu đồng. Ngoài ra, Nghị định trên quy định biển hiệu vi phạm quy định cũng sẽ bị tháo dỡ. Tuy nhiên, trưng biển hiệu các tòa nhà không phải sản phẩm dịch vụ quảng cáo nên không thể áp dụng Luật này để điều chỉnh. Có điều, tên của tòa nhà cũng thể hiện một nét bản sắc văn hóa, bởi vậy, rất cần thiết Luật Nhà ở phải điều chỉnh vấn để này. Bên cạnh đó, để tránh “lạm dụng” việc đặt tên “Tây hóa” các dự án trong nước, cần thiết phải quy định không được tùy tiện đặt tên Tây, nếu không có lý do chính đáng, vì sẽ rất phản cảm nếu một khu nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp thuần Việt bỗng dưng lại mang một cái tên nước ngoài đọc “cong cả lưỡi”. Quỳnh Lưu (ghi) |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet