Giải phóng sức ỳ cho đất nông nghiệp - Bài cuối: Ổn định chính sách đất đai để thúc đẩy phát triển
“Chính sách pháp luật về đất đai, nhất là đất nông nghiệp cần được xây dựng ổn định, dài hơi, trước hết để an dân, sau nữa là thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn…”.
Đây là quan điểm của Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng khi trao đổi với NTNN xung quanh cơ chế quản lý mới của Nhà nước qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng cho biết: Mỗi đối tượng có mối quan tâm nhiều hơn về một số quy định của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Với nông dân, bà con quan tâm nhất đến một số nội dung như: Thời hạn giao đất, hạn mức giao đất, định giá, đền bù khi thu hồi đất nông nghiệp…
Tính tiến bộ là dự thảo lần này mở rộng thời hạn giao đất từ 20 năm lên 50 năm, cho thuê đất không quá 50 năm áp dụng thống nhất cho tất cả các loại đất nông nghiệp. Tuy Dự thảo không thay đổi hạn mức giao đất đối với hộ gia đình, cá nhân, nhưng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất được nới rộng thêm (không quá 10 lần hạn mức giao đất)…
Việc thu hồi đất nông nghiệp ở một số địa phương chưa đúng, thiếu minh bạch đã nảy sinh nhiều phức tạp ở nông thôn. |
Theo ông, những điểm mới này đã đủ khiến nông dân an tâm?
- Thời hạn giao đất được mở rộng từ 20 năm lên 50 năm cơ bản đã khuyến khích, tạo động lực để nông dân gắn bó với đất đai, an tâm đầu tư sản xuất. Thời hạn giao đất cũng cơ bản đáp ứng những kiến nghị, đề xuất trước đó của T.Ư Hội NDVN đối với Đảng, Chính phủ. Trước đây, T.Ư Hội NDVN đã kiến nghị mở rộng hạn điền, tuy nhiên, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này vẫn giữ nguyên hạn mức giao đất.
Theo tôi, việc giữ nguyên hạn mức giao đất đối với các hộ gia đình, cá nhân và quy định hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp như vậy vẫn chưa thực sự khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất, đầu tư làm ăn lớn theo hướng sản xuất hàng hóa. Có ý kiến cho rằng, nếu mở rộng hạn mức giao đất thì phải tiến hành chia lại đất.
Tôi cho rằng, ý kiến này chưa xác đáng bởi 2 lý do: Thứ nhất, sẽ phải có phương án mở rộng hạn mức giao đất mà không cần phải tiến hành chia lại đất, vấn đề là phải nghiên cứu, tham khảo; thứ hai, việc mở rộng hạn mức giao đất, cho thuê đất phải hướng tới tương lai lâu dài khi nền nông nghiệp của nước ta tất yếu phải đi lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung và xu hướng chuyển dịch lao động từ khu vực sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ… Xu hướng này càng thúc đẩy nhanh khi các lĩnh vực ngành nghề phi nông nghiệp ngày càng phát triển với mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp…
Nông dân rất kỳ vọng Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ giải quyết tương đối thỏa đáng quyền và lợi ích của mình khi bị thu hồi đất nông nghiệp. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Việc quy định khung giá đất, định giá đất trong thu hồi đất nông nghiệp những năm vừa qua còn nhiều bất cập. Cùng với đó, việc tổ chức thực hiện chính sách thu hồi đất nông nghiệp ở một số địa phương chưa đúng, thiếu minh bạch, công khai đã khiến nảy sinh phức tạp ở nông thôn, là gốc rễ của nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi còn quy định chung chung, chưa đưa ra được cơ chế phù hợp, hướng tới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất trong đền bù khi thu hồi đất nông nghiệp.
Tôi rất đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi cho rằng, cần phải nghiên cứu trong thu hồi đất có tính đến phương án đền bù trọn gói cho dân. Tức là thu hồi đất nông nghiệp, căn cứ vào thu nhập hằng năm để tính đền bù cho cả 50 năm (trong thời hạn giao đất). Đây là hướng xử lý tích cực nhằm đảm bảo quyền lợi của nông dân trong thu hồi đất nông nghiệp, tránh tình trạng lãng phí, thu hồi xong rồi bỏ hoang trong khi dân không có việc làm, không có nguồn lực để chuyển đổi nghề nghiệp…
Một trong những mục đích của việc sửa đổi luật là nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai. Ông có thấy điều này thể hiện rõ qua Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi không?
- Tinh thần chung của Dự thảo Luật là rất rõ về mục đích nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, nhưng ở một vài điều vẫn chưa rõ việc đưa ra quy định, chế tài xử lý. Ở các điều khoản quy định việc thu hồi đất do vi phạm Luật Đất đai vẫn chưa giải quyết được tình trạng sử dụng đất đai lãng phí, kém hiệu quả.
Tôi lấy ví dụ, các nông, lâm trường hiện đang được giao hàng trăm ngàn ha đất lâm nghiệp nhưng quản lý sử dụng kém hiệu quả. Riêng diện tích đất rừng chưa sử dụng, để hoang hóa đã lên tới 132.000ha, hay còn để tới hơn 75.600ha rừng bị xâm lấn. Nhiều nông, lâm trường miền núi, trung du, đồng bằng sông Cửu Long và vùng bãi ngang các tỉnh ven biển còn cho thuê, khoán đất được giao theo kiểu “phát canh thu tô”. Tại sao lại sử dụng lãng phí đất đai nông, lâm nghiệp trong khi mức hạn điền lại không được mở rộng?
Thiết nghĩ, việc này cũng cần được đưa vào diện bị thu hồi do vi phạm luật. Ở một góc độ khác, hiện có hàng ngàn ha đất nông nghiệp bị thu hồi rồi bỏ hoang vài năm, thậm chí hàng chục năm. Đây cũng là điển hình của việc sử dụng lãng phí đất đai mà luật pháp cần phải đưa ra chế tài để xử lý dứt điểm…
Xin cảm ơn ông!
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet